Mở Lon Việt Nam: Cáo buộc lệch lạc của nữ cục trưởng

Càng bất ngờ hơn với lý do cấm cản: Từ “lon” đứng một mình có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa và sẽ không trong sáng nếu có người bỏ dấu vào...

Với báo chí, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã giải thích thêm về nguy cơ thêm dấu vào từ “lon” như vậy. Còn trong công văn chính thức của Cục, Coca-Cola Việt Nam bị cáo buộc hai lỗi: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam; nội dung quảng cáo không bảo đảm sự rõ ràng.

Tức thì lý do trái thuần phong mỹ tục theo cách cắt nghĩa trên của nữ cục trưởng đã làm rất nhiều người ớ ra. Bởi lẽ trước đó có thể nhiều người thấy cấu trúc của nó không đúng kiểu tiếng Việt, không có nghĩa chứ không ai thấy bậy bạ.

Do “lon” là dụng cụ bằng kim loại đựng thực phẩm nên nào giờ chỉ ghép với các loại thực phẩm hoặc với thương hiệu cho dễ nhận diện như lon gạo, lon bia, lon Coca… Thành thử, dù đoán được ý tứ chỉ có thể là mở nắp lon thì vẫn thấy việc để tên đất nước liền sau “lon” là một kết hợp chệch chuẩn, tối nghĩa. Chỉ vậy thôi chứ khi cụm từ có dấu hỏi, nặng đầy đủ để mỗi từ, trong đó có “lon” đều được hiểu theo đúng nghĩa của nó, can chi tự suy thêm dấu méo mó vào làm gì!

Giờ với lý giải của nữ cục trưởng, nhiều người mới “à há” trước cái gọi là sự phản cảm của từ mà rất có thể nó nằm hoàn toàn ngoài suy nghĩ của số đông. Và thế là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt” được dịp chia dư luận thành hai phe đối nhau.

Người đồng thuận với lý lẽ của nữ cục trưởng vì thiếu gì từ mà dùng chi từ “lon”; đặt vậy là thiếu tôn trọng quốc gia; cấm là quá phải… Người chê trách bà đã vẽ rắn thêm chân vì thiệt ra cái lon là cái lon; từ “lon” tội gì mà nói vi phạm thuần phong mỹ tục…

Mà đúng là bản thân từ “lon” không có tội tình gì thiệt khi đứng một mình hay khi đứng chung với từ khác nếu thẳng thớm xem xét, phải không bà cục trưởng?

Xét thêm về pháp lý, với “Mở lon Việt Nam” (lon Việt Nam là lon gì?), Cục Văn hóa cơ sở sẽ rất dễ dàng dựa theo khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo để bắt lỗi (và chắc ai nấy đều đồng ý) là Coca-Cola Việt Nam đã không tạo được sự rõ ràng trong nội dung quảng cáo.

Ngược lại, trong việc cho là cụm từ đã vi phạm thuần phong mỹ tục, xin được hỏi lại nữ cục trưởng đã tựa vào những căn cứ cụ thể nào để bảo đảm doanh nghiệp và mọi người đều phải có cách xác định giống như bà?

Phải nói ngay “thuần phong mỹ tục” là gì thì ai cũng hiểu khái niệm. Thế nhưng để xác định hành vi nào, như thế nào là “trái với thuần phong mỹ tục” nhằm có cơ sở chế tài thì nào giờ không có đáp số chung.

Dù liên tiếp ra các yêu cầu như “phải phù hợp với thuần phong mỹ tục”, “cấm trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức” nhưng Luật Quảng cáo và nhiều văn bản khác đã không kèm theo định nghĩa, không quy định chi tiết, không hướng dẫn thêm tiêu chí khách quan. Hệ lụy là người dân không thể hiểu rõ các nội dung quy định của luật để chủ động không vi phạm và trong nhiều trường hợp vi phạm đã được xác định theo cách nghĩ của các nhà quản lý.

Kiểu diễn giải “lon” có thể bị thêm mũ, thêm dấu… của nữ cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở để qua đó quy kết Coca-Cola Việt Nam đã “quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam” chính là đơn cử mới nhất cho vấn nạn này. Sự tùy tiện, lạm quyền dễ dẫn đến những xung đột giữa người vi phạm, dư luận với các cơ quan chức năng cũng từ những suy diễn không thể chấp nhận như thế mà ra.

Coca-Cola Việt Nam hiện đã sửa “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho rõ nghĩa và cũng để mau chóng khép lại các tranh cãi. Song sự mù mờ trừu tượng của luật cùng những lý giải lệch lạc là nguyên nhân của những cáo buộc nặng tính chủ quan, thiếu thuyết phục thì vẫn còn nguyên đó và tất nhiên là hết sức nguy hiểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm