‘Nếu không bắt tạm giam, họ không bao giờ nhận tội’

Giữa tuần qua, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Tại phiên họp, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã dành gần một giờ đồng hồ tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp.

Ông Trí cho hay năm 2018, Ủy ban Tư pháp có văn bản nêu 18 mặt tồn tại, hạn chế của ngành kiểm sát. Năm 2019, ngành đã chủ động xử lý, khắc phục những tồn tại này.

Xử lý nghiêm cán bộ làm sai

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao nhận xét một bộ phận công chức, kiểm sát viên, kiểm tra viên còn hạn chế về năng lực, trình độ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là tại các VKS cấp huyện. Năm 2019, ngành kiểm sát có 40 cán bộ vi phạm pháp luật, tăng 12 người so với năm 2018.

Giải trình, ông Trí cho biết thời gian qua ngành đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ trong ngành. “Chúng tôi làm quyết liệt, phát hiện sai phạm là xử lý, mặc dù rất đau lòng. Cỡ viện trưởng tỉnh trước đây là không đụng tới, bây giờ tôi xử lý hết. Ở VKSND Tối cao, những vụ (nghiệp vụ) dễ dính tới tiêu cực là tôi răn đe, chuyển đổi vị trí công tác liên tục” - ông nhấn mạnh.

Ông Trí cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong công tác cán bộ: “Có ông làm tốt, mình muốn giữ lại nhưng ông ấy hết tuổi, đành phải cho nghỉ. Trong khi đó, những ông làm việc rề rà, kỷ luật chưa được nhưng nhắc mãi không xong, học cũng không học được. Trường hợp này, người lãnh đạo có hai thái độ để lựa chọn, hoặc kiên trì chờ tới khi người đó đến tuổi nghỉ hưu, hoặc mạnh dạn điều chuyển. Dám điều chuyển phải dám chấp nhận sẽ bị khiếu nại, tố cáo”.

Đối với những cán bộ làm sai, ông Trí nêu quan điểm phải xử lý nghiêm. Nhưng trong công việc, có những lúc là tai nạn nghề nghiệp, không lường trước được. Theo ông, các cán bộ tư pháp nói chung phải chịu áp lực lớn về mặt tâm lý. Theo quy định của Đảng, chỉ cần có dấu hiệu thôi là có thể bị kỷ luật. BLHS cũng quy định hàng chục tội danh về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chưa kể tâm lý sợ phải bồi thường.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đang phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp. Ảnh: Đ.MINH

Vì sao án tham nhũng phải trả hồ sơ nhiều?

Đại diện cho nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Liên, nhận xét việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn của VKS trong một số trường hợp chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp luật.

“Vẫn còn việc lạm dụng bắt khẩn cấp, lạm dụng tạm giam, sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự. Ngược lại, nhiều trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhưng lại không kịp thời xử lý, dẫn đến bị can bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án” - ông Liên dẫn chứng.

Đáp lại, ông Trí cho biết mỗi một biện pháp tố tụng đều có tính hai mặt. Việc bắt giam giúp công tác điều tra thuận lợi hơn nhưng đụng chạm một mức độ nào đó đến quyền con người, không bắt thì gây khó khăn cho công tác điều tra. Ông Trí cũng khẳng định liên quan đến án tham nhũng và kinh tế, nếu để đối tượng ở bên ngoài xã hội thì họ không bao giờ nhận tội.

Đáng chú ý, ông Liên đề nghị VKSND Tối cao tăng cường các biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án.

Đáp lại, ông Trí cho rằng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là biện pháp tố tụng để chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm. Bản thân biện pháp này không có vấn đề gì cả. Án càng phức tạp thì việc trả hồ sơ càng đương nhiên. Án tham nhũng, kinh tế trả tới trả lui đơn giản vì sức phản kháng và chống đỡ của các đối tượng phạm tội rất mạnh. “Hơn nữa, chúng ta không chỉ đấu tranh với tội phạm mà còn đấu tranh với đồng chí, đồng nghiệp, đồng sự của chính mình” - ông Trí nói.

Theo ông Trí, việc trả hồ sơ là cần thiết nhưng không được lạm dụng. “Đừng coi việc này là xấu, đây là biện pháp cần thiết trong điều tra” - viện trưởng VKSND Tối cao nói.

Không né tránh, nhận trách nhiệm đầy đủ

Về các chỉ tiêu Quốc hội giao, ngành kiểm sát phấn đấu để năm sau thực hiện tốt hơn năm trước nhưng không thể đạt con số tuyệt đối. Tinh thần của chúng tôi là làm quyết liệt, không tránh né và nhận trách nhiệm đầy đủ trước Đảng, trước Quốc hội.

Một năm có hơn 100.000 vụ án hình sự mà không có trường hợp nào oan là rất khó, chỉ có thể hạn chế chứ không thể có con số zero. Nếu các đồng chí nói: “Ông còn để oan sai, ông còn để lọt tội thì ông nghỉ đi!”, chắc có lẽ cũng phải làm đơn chứ làm sao?

Viện trưởng VKSND Tối cao LÊ MINH TRÍ

33 người bị oan liên quan trách nhiệm của VKS

Số bị can bị oan trong năm 2019 tăng so với các năm trước, còn để xảy ra 33 bị can bị oan (23 bị can do CQĐT và 10 bị can do VKS phải đình chỉ). Hạn chế này đều liên quan đến trách nhiệm của VKS. Đề nghị VKSND Tối cao đánh giá rõ nguyên nhân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  HOÀNG VĂN LIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm