Nhà thầu Trung Quốc trong đại án gang thép Thái Nguyên
Ngày 13-4, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử 19 bị cáo trong đại án gang thép Thái Nguyên tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần xét hỏi.
Cựu TGĐ nói có, cựu chủ tịch HĐQT nói không
Theo cáo trạng, sau khi ký kết hợp đồng với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) được tạm ứng 35,6 triệu USD. Tuy nhiên, gần một năm sau, MCC vẫn chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu. Tập đoàn này còn đề nghị kéo dài thời gian, điều chỉnh giá hợp đồng tăng hơn 138 triệu USD.
VKS xác định MCC đã vi phạm hợp đồng, những đề nghị của MCC cũng không có căn cứ, lẽ ra Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và TISCO phải xem xét chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và áp dụng điều khoản đối với nhà thầu Trung Quốc.
Thế nhưng, những người có trách nhiệm tại VNS và TISCO thay vì thực hiện các việc cần làm thì lại chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất để ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh chi phí hợp đồng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Các bị cáo trong đại án gang thép Thái Nguyên. Ảnh: UYÊN TRANG
Tại tòa, HĐXX cùng luật sư đặt nhiều câu hỏi đối với các cựu lãnh đạo, cán bộ của TISCO và VNS để làm rõ nội dung cáo buộc nêu trên. Đáng chú ý, lời khai giữa nhiều người đã bộc lộ sự mâu thuẫn.
Ông Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc (TGĐ) TISCO) khai ngay khi phát hiện MCC vi phạm hợp đồng, bản thân ông thay mặt TISCO đã làm văn bản nhắc nhở, đốc thúc. TISCO cũng báo cáo sự việc lên VNS và Bộ Công Thương, đề xuất dừng hợp đồng với MCC và phạt doanh nghiệp này nhưng khi đó nhận được chỉ đạo phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ.
Thậm chí, TISCO từng lên phương án kiện MCC ra tòa trọng tài quốc tế, điều này được thể hiện qua việc TISCO thuê một hãng luật của Singapore. Hãng luật này thay mặt chủ đầu tư trao đổi với MCC rằng nếu không cải thiện sẽ phải chấm dứt hợp đồng, đồng thời đốc thúc MCC phải tăng tiến độ.
Ngược lại, ông Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS) nhiều lần khẳng định có biết MCC vi phạm hợp đồng nhưng không nhận được bất cứ văn bản hay báo cáo nào liên quan đến việc đề xuất chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc.
“Khi nhận chức, lúc đó dự án rất bế tắc, tôi chỉ có tâm nguyện làm sao để sớm hoàn thành, vì đây là dự án trọng điểm nhà nước. Lúc ấy, không có ai có ý kiến về việc cần xem xét dừng hợp đồng với MCC, mà chỉ tập trung tìm giải pháp, cơ chế để giải quyết” - ông Tinh phân trần.
Bị cáo đề nghị xem lại con số 830 tỉ đồng thiệt hại
Cũng theo cáo trạng, tính đến ngày 31-12-2018, tổng số tiền mà TISCO đã bỏ ra cho dự án là hơn 4.400 tỉ đồng. Trong đó, TISCO vay của các ngân hàng hơn 3.000 tỉ đồng và phải trả lãi do dự án chậm tiến độ hơn 830 tỉ đồng. Số lãi này là tiền thiệt hại mà các bị cáo gây ra.
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đỗ Xuân Hòa (cựu kế toán trưởng TISCO) cho biết toàn bộ số tiền vay của ngân hàng đều được phục vụ chủ yếu cho dự án. 830 tỉ đồng là khoản lãi suất thông thường, đương nhiên TISCO phải trả khi vay của các ngân hàng.
Theo lời bị cáo, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên gồm gói thầu dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá và mỏ sắt Tiến Bộ. Phần dây chuyền luyện kim chưa hoàn thành nhưng mỏ Tiến Bộ đã đi vào hoạt động từ năm 2014, cho hiệu quả tốt.
“830 tỉ đồng là tiền lãi phải trả cho khoản vay của toàn bộ dự án, gồm cả mỏ sắt Tiến Bộ. Như vậy, 830 tỉ đồng này không thể là thiệt hại của vụ án vì mỏ hoạt động tốt” - ông Hòa nói và đề nghị xem xét lại cách tính thiệt hại trong vụ án.
Trong khi đó, được triệu tập tới tòa với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện TISCO cho biết từ trước đến nay chưa từng có đơn khởi kiện hay yêu cầu bồi thường. Việc xét xử và phán quyết ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan tố tụng.
Đáng chú ý, một luật sư cho biết trong 4.400 tỉ đồng đã giải ngân, TISCO mới thanh toán cho nhà thầu 2.100 tỉ đồng. Vị này đặt câu hỏi 2.300 tỉ đồng còn lại đang ở đâu, liệu có đang gửi trong tài khoản ngân hàng, nếu đúng thì có thể dùng số tiền lãi đó để khắc phục hậu quả vụ án hay không?
Đáp lại, đại diện TISCO từ chối trả lời, cho rằng vấn đề này thuộc các phòng ban chuyên môn, hiện nay TISCO và MCC đang đàm phán. Riêng với các thiết bị TISCO đã thanh toán nhưng có sai khác, TISCO đang yêu cầu MCC phải hoàn trả.
TISCO vẫn muốn MCC thực hiện dự án
Mặc dù dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên chậm tiến độ một phần do Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng nhưng đại diện TISCO cho biết doanh nghiệp này đang yêu cầu MCC tiếp tục triển khai dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết.
“Căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, TISCO tiếp tục yêu cầu MCC triển khai thực hiện EPC vì MCC còn nhiều vướng mắc, vi phạm theo kết luận. Từ ngày 29-3, chúng tôi đã khởi động lại đàm phán để MCC tiếp tục thực hiện dự án chứ chưa chấm dứt hợp đồng” - đại diện TISCO nói.
Vị đại diện cũng thừa nhận con số 830 tỉ đồng mà cáo trạng đề cập là số tiền lãi mà TISCO đã trả cho các ngân hàng nhưng cho rằng hiện tại dự án vẫn đang triển khai nên chưa thể biết con số thiệt hại cuối cùng.