Nhiều tổ chức Phật giáo xin giảm nhẹ cho Phạm Nhật Vũ

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định các bị can trong vụ án liên quan đến thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG đã cùng nhau thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 6.500 tỉ đồng.

Trong số 14 bị can, ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch HĐQT AVG) là người duy nhất bị truy tố về tội đưa hối lộ.

Nhiều tổ chức Phật giáo xin cho Phạm Nhật Vũ hưởng khoan hồng.

Là người đại diện cho AVG được ủy quyền bởi các cổ đông, ông Vũ biết rõ năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, giá trị tài sản thấp. Nhưng vì mong muốn bán được cho MobiFone với giá cao, ông Vũ đưa ra các thông tin về việc AVG bán cổ phần cho một đối tác nước ngoài với giá 700 triệu USD và đã đặt cọc 10 triệu USD.

Kết quả điều tra xác minh đây chỉ là thông tin do AVG đưa ra và không có cơ sở xác minh. Dù vậy, tổ giúp việc và Ban giám đốc MobiFone vẫn đồng ý chấp nhận mà không đánh giá nội dung trên có căn cứ hay không.

Trong quá trình thực hiện dự án, bị can Vũ đã gọi cho bị can Nguyễn Bắc Son (cựu bộ trưởng Bộ TT&TT) 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị ông Son chỉ đạo cấp dưới sớm hoàn thành việc mua bán. Ông Vũ cũng gọi điện thoại cho các bị can Trương Minh Tuấn (cựu bộ trưởng Bộ TT&TT), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch MobiFone) và Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) để hỏi thăm và thúc giục.

Trong số tiền MobiFone chuyển cho AVG để mua 95% cổ phần, Phạm Nhật Vũ được hưởng hơn 5.800 tỉ đồng. Sau đó, ông Vũ hối lộ cho ông Son 3 triệu USD, ông Tuấn 200.000 USD, ông Trà 2,5 triệu USD và ông Hải 500.000 USD.

Đáng chú ý, cáo trạng xác định ông Vũ không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra. Tuy nhiên, trước khi khởi tố vụ án, ông Vũ đã chủ động khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm hơn 8.400 tỉ tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 300 tỉ tiền lãi phát sinh.

“Phạm Nhật Vũ cũng tích cực cung cấp tài liệu cho CQĐT để làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công cũng như hậu quả vụ án. Do đó không xử lý trách nhiệm của Vũ về hành vi này” - cáo trạng nêu.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra về hành vi đưa và nhận hối lộ, ông Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội. Ông Vũ nhận thức rõ, ăn năn hối lỗi, tích cực khai báo với CQĐT cũng như VKS để làm rõ hành vi của các bị can nhận hối lộ, giúp cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.

Ngoài ra, bị can Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29-6-2019, Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội.

Chưa hết, Ban trị sự Giáo hội Việt Nam TP Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng cũng có đơn đề nghị xem xét cho ông Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Do đó, với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, VKSND Tối cao cho rằng cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3; khoản 1, 2 Điều 51 và các quy định khác của BLHS năm 2015 để xem xét, quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ đã nêu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.