Câu chuyện về độc lập trong xét xử của tòa được nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến về định hướng cải cách tư pháp trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng do TAND Tối cao tổ chức ngày 11-11. Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, ông là người được giao trực tiếp chấp bút phần riêng về tư pháp trong dự thảo văn kiện và cũng là người trực tiếp chủ trì hội nghị này.
“Em đã mất ngủ hai đêm sau phiên xử…”
Tại hội nghị, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nêu dẫn chứng: Một lần, ông theo dõi tòa xử một vụ án, ông có gọi điện thoại cho người học trò cũ là thẩm phán hỏi: “Sao em lại xử như thế? Xử như vậy chỉ bảo vệ địa phương thôi chứ không có công lý cho người dân”.
Học trò của ông đáp: “Thầy ơi, thầy dạy em, thầy biết rằng em không tệ như thế. Em đã mất ngủ hai đêm liền sau phiên xử này…”.
Quang cảnh một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
GS-TS Lê Hồng Hạnh nhận xét: “Như vậy có nghĩa là qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 49, chúng ta vẫn chưa đạt được điều chúng ta mong muốn là độc lập tư pháp, hay nói cách khác là độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật”.
“Anh Hạnh nói rất đúng, khó mà độc lập được. Khi chúng ta xây dựng hệ thống tòa án theo đơn vị hành chính, cấp ủy Đảng còn phụ trách, còn lãnh đạo thì các thẩm phán đều không dám giải quyết độc lập…” - TS Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nói.
Theo ông Sơn, công tác cán bộ là công tác của Đảng, thẩm phán có được tái nhiệm hay không phải có ý kiến nhận xét của cấp ủy Đảng. Vì vậy, khi cấp ủy Đảng có ý kiến, thẩm phán khó mà không làm theo.
Ông Sơn cũng cho hay trước đây TAND Tối cao từng đề nghị xem xét cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa, tức là TAND Tối cao là một đảng ủy riêng trực thuộc Bộ Chính trị.
“Hoạt động công tác đảng của hệ thống tòa theo ngành dọc là tốt nhất. Nếu không, thẩm phán tòa án tỉnh giải quyết quyết định của chủ tịch UBND tỉnh là khó rồi, chưa nói cấp huyện còn khó hơn vì càng xa trung ương” - ông Sơn nêu quan điểm.
Tòa án phải thực sự độc lập
GS-TS Lê Hồng Hạnh bày tỏ sự nuối tiếc khi nhiều đề xuất, kiến nghị của ông trong quá trình soạn thảo Luật Tổ chức tòa án đã không được ghi nhận. Phần lớn những đề xuất đó liên quan đến việc bảo đảm tính độc lập của tòa án, chẳng hạn như kiến nghị bổ nhiệm suốt đời hoặc bổ nhiệm thời hạn dài hơn đối với thẩm phán…
Ông Hạnh nhấn mạnh: “Tòa án là một thiết chế không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền nhưng phải hoàn toàn độc lập. Tòa án không thể trở thành công cụ của cơ quan hành pháp”. Ông cho rằng độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật phải là điểm nhấn của cải cách tư pháp và của báo cáo chính trị lần này.
“độc lập trong xét xử giải quyết cho chúng ta rất nhiều thứ: Công lý được bảo đảm; thẩm phán tự mình phải vươn lên, không thể ỷ lại thêm, không chịu khó học tập, không chịu khó học hỏi. Lúc đó thẩm phán chỉ có việc chịu trách nhiệm với bản án của mình”- GS-TS Lê Hồng Hạnh nói tiếp.
Đồng tình, GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh một trong những nguyên tắc pháp quyền là bảo đảm tính độc lập tư pháp. Ông Liên cũng đề nghị xem lại nhiệm vụ kiểm sát hoạt động xét xử của VKS.
Ông Liên nói: “Hoạt động tư pháp gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. VKS vừa là mắt xích trong đó, vừa đứng ngoài thì ai kiểm sát VKS? Nếu tòa án độc lập thì làm sao lại kiểm sát? Đề nghị để bảo đảm tính độc lập của tòa án theo tinh thần của nhà nước pháp quyền thì bỏ nội dung kiểm sát xét xử”.
Cùng quan điểm, trong tham luận gửi tới hội nghị, PGS-TS Trần Đình Nhã, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, kiến nghị cần đổi mới sự lãnh đạo, giám sát, kiểm sát từ bên trên và bên ngoài đối với tòa án. Điều này bảo đảm tòa án được độc lập thực sự trong việc đưa ra và chịu trách nhiệm về các bản án, quyết định của mình. “Trước hết, cần xem lại thẩm quyền kiểm sát hoạt động tư pháp (hoạt động xét xử) của VKS” - ông Nhã viết.
Lúc này ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Tôi nghe các giáo sư, tiến sĩ phát biểu rất tâm đắc. tuy nhiên, quả thực ở diễn đàn Quốc hội, tôi nhận được các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội tại sao xử thế này, tại sao xử thế kia. Luật thì quy định không được can thiệp vào quá trình tố tụng nhưng nhiều khi các đại biểu đã tuyên ngay trên diễn đàn Quốc hội rồi. Nếu theo dõi diễn đàn Quốc hội thời gian qua thì thấy gần như mỗi đại biểu là một thẩm phán”.
TS Lê Văn Thể, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cũng bày tỏ: “Là những người làm thực tiễn, chúng tôi có nhiều cái còn trăn trở hơn vì phải đối mặt với những bản án, với việc giải quyết các tranh chấp này”.
Linh hồn của tư pháp là thẩm phán
Cần phải coi trọng việc xây dựng đội ngũ thẩm phán, bởi làm gì cũng phải do con người quyết định. Linh hồn của tư pháp là các thẩm phán chứ không phải các tòa án. Thẩm phán phải trong sạch, liêm chính, vô tư, khách quan, có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cao, dũng cảm duy trì và bảo vệ công lý. GS-TSKH ĐÀO TRÍ ÚC, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật
Trách nhiệm bảo vệ niềm tin đối với tư pháp
Xã hội muốn ổn định, phát triển phải có niềm tin đối với tư pháp. Niềm tin này xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có năng lực, uy tín của tòa án. Tuy nhiên, trách nhiệm bảo vệ niềm tin tư pháp là trách nhiệm chung, không chỉ của riêng ngành tòa án. GS-TS HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp
Cần có tòa sơ thẩm khu vực
Theo định hướng cải cách, tòa án tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính gồm bốn cấp: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, TAND Cấp cao và TAND Tối cao (Kết luận số 79 của Bộ Chính trị năm 2010 - NV). Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn tổ chức TAND cấp huyện theo đơn vị hành chính. Theo tôi, cần tổ chức các TAND sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào đơn vị hành chính thay cho TAND cấp huyện. Có như vậy mới thực sự bảo đảm nguyên tắc “Thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, nhất là độc lập trong xét xử các vụ án hành chính. TS NGUYỄN MAI BỘ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội