Tăng thẩm quyền cho công an xã: Nhiều vấn đề cần làm rõ

VKSND Tối cao đã đề nghị về việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với công an phường, thị trấn, đồn công an).

Phải quy định rỏ về trình tự thủ tục kiểm tra

Khi xem xét đề nghị của VKSND Tối cao, theo tôi, cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, nên có văn bản quy định chi tiết, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền trong công an xã (cũng như công an phường, thị trấn, đồn công an); phạm vi hoạt động và trình tự thủ tục kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

Theo BLTTHS năm 2015, công an xã không phải cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người làm việc trong lực lượng này cũng không phải người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Công an xã cũng không có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.

Công an xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên, An Giang) tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi đã tham gia vào quá trình tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì các chủ thể phải có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng. Đây chính là cơ sở pháp lý để tránh xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tránh việc lạm quyền và xử lý vi phạm nếu có.

Quan trọng hơn, cần quy định cụ thể về phạm vi, trình tự thủ tục tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cũng như hệ thống văn bản ghi nhận kết quả. Ví dụ, hoạt động này thường bao gồm việc lấy lời khai ban đầu của những người có liên quan đến tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp nhận tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ việc, vụ án...

Khi có những quy định cụ thể điều chỉnh sẽ góp phần tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng trong thực tiễn của công an xã và đồng thời bảo đảm được tính hợp pháp của chứng cứ hình sự.

Ngày 25-10, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng ý cho công an xã được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu các ý kiến của các giảng viên, ĐBQH, luật sư về việc tăng thẩm quyền cho công an xã. 

Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị

Thứ hai, kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện, cẩn trọng các điều kiện về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị để bảo đảm thực hiện quy định về thẩm quyền mới của công an xã.

Tính đến ngày 19-8-2021, Bộ Công an đã bố trí 43.188 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã ở tất cả 8.326 xã trên cả nước (theo Ủy ban Tư pháp (2021), báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS). Như vậy, về số lượng có thể nói đã đảm bảo đủ lực lượng công an chính quy ở tất cả xã trên cả nước.

Tuy nhiên, lực lượng công an chính quy được bố trí về xã rất đa dạng và không phải người nào cũng đã được đào tạo chuyên sâu về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, kỹ năng, nghiệp vụ cũng như có kinh nghiệm trong việc tiến hành các hoạt động tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác về tội phạm. Do đó, việc tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng công an xã về những nội dung trên là rất cần thiết.

Ngoài ra, các vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của công an xã theo thẩm quyền mới cũng nên được quan tâm.

Thứ ba, xem xét hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa công an xã, phường, thị trấn, đồn công an với cơ quan điều tra có thẩm quyền trong việc chuyển giao, tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và các tài liệu, đồ vật có liên quan.

Vấn đề này hiện nay được quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC nhưng chưa được chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế kiểm tra việc tiếp nhận và tiến hành các hoạt động xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã. Hiện nay, theo khoản 2 Điều 160 BLTTHS năm 2015, VKS chỉ có quyền kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Khoa luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Tăng quyền nhưng không lạm quyền

Nhiệm vụ của công an các cấp thống nhất trong các hoạt động tố tụng là chính sách nhất quán trong xây dựng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an. Tuy nhiên, chính sách này tùy từng thời điểm mà quy định sao cho phù hợp yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Việc quy định nhiệm vụ của công an xã có hạn chế một số nhiệm vụ so với công an phường theo quy định của BLTTHS năm 2015 về bản chất là một giải pháp quá độ khi lực lượng công an xã còn hạn chế tại thời điểm năm 2015.

Hiện nay, việc bổ sung trách nhiệm của công an xã còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy nguồn lực để kịp thời xử lý các vụ việc tại cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, giúp giảm tải cho cơ quan điều tra công an cấp huyện. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính trị địa phương theo hướng chuyên nghiệp.

Khi bổ sung trách nhiệm của công an xã đòi hỏi Bộ Công an, công an các địa phương tiếp tục tăng cường lực lượng công an chính quy cho các xã còn thiếu, giúp cho công an xã thống nhất, đồng bộ trên cả nước trong xử lý hành vi vi phạm; góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Có ý kiến lo ngại rằng quy định mới sẽ dẫn đến nguy cơ lạm quyền của công an xã. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua vi phạm trong lực lượng này chỉ là thiểu số. Nếu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp phòng ngừa thì các vấn đề tiêu cực ít có khả năng xảy ra.

ĐBQH-Thiếu tướng NGUYỄN VĂN THUẬNGiám đốc Công an TP Cần Thơ:

Giảm tải cho cơ quan điều tra

Việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS là tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh công an. Đặc biệt là Nghị định 42/2021 về việc quy định xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; Thông tư 09/2019 của Bộ Công an quy định việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan CAND đảm nhiệm chức danh công an xã.

Hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Riêng với Công an TP Cần Thơ, nếu bổ sung thẩm quyền xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm công an phường, thị trấn) thì Công an TP Cần Thơ đủ điều kiện bảo đảm được.

Công an TP đã hoàn thành bố trí công an chính quy bổ nhiệm chức danh công an xã. Cụ thể, đã bố trí 238 đồng chí cho 41 xã, thị trấn. Trong đó có 37,4% các đồng chí đã từng là điều tra viên hoặc cán bộ điều tra được tăng cường về công an xã; 100% các đồng chí tăng cường về công an xã đã được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, trong đó có nghiệp vụ về quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Tính từ tháng 3-2020 đến tháng 10-2021, lực lượng công an xã chính quy đã tiếp nhận 32% tổng số tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Công an TP; đồng thời chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền; góp phần quan trọng cho Công an TP giải quyết đạt trên 90% tố giác, tin báo về tội phạm.

TS-LS LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Một kênh tố giác tội phạm cho người dân

Việc tăng thẩm quyền cho công an xã sẽ giải quyết các mục tiêu cơ bản sau đây: Người dân có thêm kênh tố giác, tin báo tội phạm kịp thời, nhanh chóng; hoạt động thu thập và bảo vệ chứng cứ ban đầu được tổ chức bài bản, thanh lọc các hành vi có liên quan đến tội phạm, giảm áp lực đầu mối cho công an cấp huyện; mở rộng nguồn chứng cứ, giúp cho các hoạt động tố tụng hình sự về sau được thuận lợi, khách quan hơn.

Tuy nhiên, các quy định theo dự thảo chưa thể hiện cơ chế thực thi, cũng như sự phối kết hợp, giám sát, kể cả khi vụ việc qua điều tra phát sinh các tình tiết, chứng cứ thuyết phục phủ nhận các kết quả kiểm tra, xác minh đó. Vì vậy, hoạt động này chỉ dừng lại ở mức “sơ bộ”, tức là không đi sâu vào đấu tranh, giám định các chứng cứ cơ học, sinh học phải có các phương tiện kỹ thuật, năng lực điều tra nhất định. Đồng nghĩa, các khuyến nghị nếu có chỉ là dừng lại ở mức dự báo và hoàn toàn không lạm dụng, không vi phạm quyền con người.

Bên cạnh đó, công an xã năng lực chuyên môn không đồng đều, cũng cần có những tập huấn nghiệp vụ, kể cả nghiệp vụ thu giữ, bàn giao tài liệu hồ sơ cho cơ quan điều tra sao cho giữ được nguyên vẹn giá trị về chứng cứ.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm