Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho công an xã

Chiều 20-10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS.

Hai ý kiến về thời điểm bổ sung quyền cho công an xã

Theo Tờ trình, VKSND Tối cao đề nghị bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an).

Cụ thể, khoản 3 Điều 146 BLTTHS dự kiến được sửa đổi như sau: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: quochoi.vn

Bà Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của VKSND Tối cao.

Theo cơ quan thẩm tra, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của Công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay, việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.

Tuy nhiên, về thời điểm sửa đổi, bổ sung quy định này, Ủy ban Tư pháp có hai loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của Bộ luật TTHS ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn do tình hình diễn biễn phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Việc này giúp phát huy nguồn lực của Công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, đồng thời giúp giảm tải cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ xuống cấp xã .

Có ý kiến đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 Điều 146 trong lần sửa đổi này. Ý kiến này cho rằng việc bổ sung, giao thêm trách nhiệm cho Công an xã trong Bộ luật TTHS cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.

Ý kiến khác nhau về việc đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng…

Liên quan đến đề xuất của VKSND Tối cao về việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án” quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật TTHS, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tư pháp tán thành với đề nghị này.

Ý kiến này cho rằng trước tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, dẫn đến tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong 10 tháng năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đáng lưu ý, đây mới là giai đoạn kiểm tra, xác minh dấu hiệu tội phạm, chưa khởi tố vụ án và chưa khởi tố bị can nên việc tạm đình chỉ trong giai đoạn này cơ bản không ảnh hưởng lớn đến quyền con người, quyền công dân, có thể chấp nhận trong trường hợp bất khả kháng vì điều kiện dịch bệnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp không đồng tình với kiến nghị trên của VKSND Tối cao. Quan điểm này cho rằng để khắc phục những khó khăn của công tác này do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, dự thảo Luật đã quy định giao thêm trách nhiệm cho công an xã trong kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm nhằm tăng cường hiệu quả giải quyết ngay từ cơ sở.

Về đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 Bộ luật TTHS, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra và tạm đình chỉ vụ án “khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra”, Uỷ ban Tư pháp có hai quan điểm khác nhau.

Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của VKSND Tối cao và cho rằng xuất phát từ những khó khăn của nhiệm vụ điều tra, Bộ luật TTHS quy định cho giai đoạn này được áp dụng nhiều biện pháp tố tụng nhất (16 biện pháp). Trong đó, nhiều biện pháp phải tiến hành trực tiếp tại thực địa (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, nơi làm việc...).

Nếu vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành đầy đủ việc điều tra sẽ không thể kết luận điều tra. Vì vậy, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là cần thiết.

Tương tự, tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động khởi tố, điều tra mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thực hành quyền công tố của VKS trong giai đoạn truy tố.

Việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương trong một thời gian dài dẫn tới VKS không thể tiến hành các hoạt động cần thiết để củng cố tài liệu, chứng cứ làm căn cứ quyết định việc truy tố… Do đó, cần thiết phải bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố vì “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trong khi đó, ý kiến khác trong Uỷ ban Tư pháp cho rằng nếu bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra và tạm đình chỉ vụ án như đề xuất của VKSND Tối cao sẽ dẫn đến phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến yêu cầu xử lý kịp thời tội phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm