Tăng thẩm quyền cho công an xã: Những điều băn khoăn

Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS.

Công an xã trên 50% đại học, đủ sức đảm đương nhiệm vụ

Đa số đại biểu (ĐB) đồng ý tăng thẩm quyền cho công an xã (CAX) được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí (trái) và đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh,
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng tăng thẩm quyền cho CAX là phù hợp với tổ chức bộ máy ngành công an và yêu cầu thực tiễn. “Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại cơ sở, kịp thời phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng” - ĐB Nam nói.

Theo ông Nam, 100% xã đã được bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh CAX, trong đó trên 50% có trình độ đại học công an, gần 20% từng công tác tại các đội điều tra công an huyện… Như vậy, nguồn nhân lực của CAX rất lớn, đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ của CAX trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tương đương như công an phường, thị trấn.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) từ thực tế địa phương cho hay CAX được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. ở nhiều địa bàn của Lâm Đồng hiện cũng được tổ chức chính quy 100%, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 1 Luật Công an nhân dân, trong đó có các quy định chung về tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho CAX tương đương với công an phường không mâu thuẫn với Luật Công an nhân dân và Pháp lệnh CAX trước đây.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) từ thực tiễn hai năm CAX được tham gia điều tra hình sự cho rằng việc này đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, kéo giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dẫn một báo cáo của Bộ Công an, ĐB Nga cho hay các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại các đội điều tra của công an huyện xuống CAX trong khi khối lượng công việc không giảm, có nơi còn tăng lên.

“Do đó phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của CAX trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng, góp phần giảm tải công việc cho công an cấp huyện” - ĐB Nga nói.

Cần đào tạo thêm, nâng cấp cơ sở vật chất

ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đồng tình tăng thẩm quyền cho CAX nhưng lại băn khoăn vì dự luật này được xem xét theo trình tự rút gọn. Bà An cho rằng cần phải xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Còn về thực tiễn, ĐB An nói CAX chính quy mới được thiết lập. Với tỉnh như Cao Bằng thì cơ bản các xã đều được bố trí năm CAX. Tuy nhiên, lực lượng này thực hiện rất nhiều việc ở cấp xã, cấp trực tiếp làm việc với nhân dân. Địa bàn rộng, giao thông khó khăn. Mặt khác, mỗi công an được đưa về làm CAX có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau.

“Có người thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau. Việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi. Thậm chí, nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay còn cần phải có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ về trang bị cơ sở vật chất” - ĐB An nói.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng chung mối băn khoăn: “Nếu giao thêm nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, tôi đề nghị Bộ Công an cần phải giải trình thêm, tính toán thêm về số lượng người, về khả năng chuyên môn, nghiệp vụ và những điều kiện cần thiết khác”. ĐB Thịnh nói giao nhiệm vụ thì dễ nhưng có vài ngàn xã trên cả nước, chỉ cần 100-200 xã làm không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khi giải trình cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho CAX. Khi CAX được bổ sung trách nhiệm này, VKS cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm sát chặt chẽ việc điều tra, xác minh sơ bộ của CAX như đối với công an phường nhằm đảm bảo CAX tuân thủ đúng quy định của pháp luật.•"

 

Tạm đình chỉ tin báo, tố giác do bất khả kháng

Đại đa số ĐB đồng ý bổ sung quy định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cho biết lúc TP.HCM triệt để thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì việc thực hiện quy trình tố tụng bị trì hoãn. Cơ quan tố tụng không thể mời, triệu tập để thực hiện các biện pháp xác minh, điều tra. Nhiều người tham gia tố tụng bị nhiễm bệnh hoặc cách ly theo quy định của ngành y tế, bị can bị nhiễm bệnh nên không thể tiếp xúc để hỏi cung, phúc cung, có thời điểm cơ sở giam giữ dừng việc trích xuất bị can. Có đơn vị điều tra, kiểm sát phải tiến hành cách ly, phong tỏa nên không thể tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết và hoàn thiện hồ sơ giải quyết vụ việc, vụ án. Người bào chữa không thể tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng vì tình hình dịch bệnh.

Nếu chiếu theo quy định, hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, đồng thời dẫn đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong khi việc đình chỉ không do lỗi chủ quan từ phía cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.

Vì vậy, ĐB Sang tán thành phương án bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, ĐB Sang đề nghị các cơ quan tố tụng ở trung ương có hướng dẫn cụ thể.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng nhận định quá trình tố tụng thời gian qua đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài đồng ý bổ sung quy định tạm đình chỉ, ĐB Thủy còn đồng tình với đề xuất của TAND Tối cao về xét xử trực tuyến.

***

"Biện pháp tạm đình chỉ trong trường hợp này là biện pháp cuối cùng, một biện pháp kỹ thuật, cần pháp luật cho phép để xử lý một tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm nhưng do thiên tai, dịch bệnh, chứ không phải là không làm"

Viện trưởng VKSND Tối cao LÊ MINH TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm