Tòa, viện lý giải tỉ lệ thi hành án hành chính thấp

Ngày 6-11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao và bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn các đại biểu về tỉ lệ thi hành án (THA) hành chính thấp; lý do VKS không thụ lý kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm và việc tranh tụng của luật sư.

Tòa thụ lý nên không chuyển hồ sơ

Về thụ lý kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói: Xét xử có hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm - PV), để xem xét kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm một bản án thì phải có những điều kiện nhất định. Thực tế, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, nhiều người thấy quyền lợi của mình không đạt được nên vẫn đề nghị xem xét lại.

Đối với đơn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cơ quan Đảng, QH chuyển đến thì hầu hết là các vụ việc đã được xem xét, giải quyết nhưng còn kéo dài. Khi các cơ quan này gửi về, phía viện vẫn thụ lý, rà soát lại; do đó về nguyên tắc khách quan, vụ việc đã từng xem xét nhiều lần rồi thì yêu cầu giải quyết 100% là khó khả thi.

Một phiên tòa tại TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông cho biết trong số hơn 44% tổng số vụ việc đã giải quyết thì có hơn 74% số vụ việc có hồ sơ, đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của QH. “Còn những hồ sơ mà đề nghị rút (từ tòa án - PV) nhiều lần nhưng không được thì phải chấp nhận và đã báo cáo nhiều lần” - ông nói.

Sau phần trả lời của ông Trí, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng việc viện dẫn lý do không rút được hồ sơ nên không giải quyết được thì hết sức đáng suy nghĩ.

Ông Hồng cũng đề nghị chánh án TAND Tối cao cho biết vì sao việc rút hồ sơ của VKS lại gặp khó khăn.

Tiếp tục đối đáp, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết nhiệm kỳ trước, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao thống nhất ký thông tư liên tịch, trong đó quy định nếu tòa hoặc viện thụ lý (xem xét đề nghị kháng nghị - PV) thì ưu tiên cho tòa.

“Hồ sơ nằm tại tòa chứ không phải tại VKSND Tối cao... Thông tư đã nêu rõ ưu tiên cho tòa, tòa không cho rút thì làm sao chúng tôi rút được” - ông Trí nói, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi xem xét kháng nghị bản án của tòa mà tòa lại không giao hồ sơ, giữ đó thì làm sao làm được”.

Cũng theo viện trưởng VKSND Tối cao, đến thời điểm hiện tại, vụ việc nào mà hồ sơ rút được đều đã được giải quyết, đạt chỉ tiêu QH giao, còn những vụ hồ sơ không rút được thì không thể thụ lý…

Tòa án đã phải ra 201 quyết định buộc THA, cơ quan THA ban hành 103 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những trường hợp vi phạm nghĩa vụ THA nhưng đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý.

ĐB TRẦN THỊ DUNG (Điện Biên) 

Tỉ lệ thi hành án hành chính thấp

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) đặt vấn đề tỉ lệ THA hành chính còn rất thấp, chỉ đạt 43,73%. Trong đó, năm 2018 có 224 vụ việc chưa được THA, năm 2019 là 339, năm 2020 là 467; phần lớn các vụ thuộc trách nhiệm của UBND các cấp.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết việc THA hành chính không thuộc trách nhiệm của tòa án. Tuy nhiên, ông đưa ra một số vấn đề cần phải xem xét và giải quyết.

Nếu như THA hình sự sau khi có bản án thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, THA dân sự thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp thì THA hành chính lại do trách nhiệm giữa các bên. Chính vì không có cơ quan thứ ba trung gian nên tính cưỡng chế là không có, có thể dẫn tới sự tùy nghi, tỉ lệ thi hành các bản án thấp.

Về phía tòa án, tất cả các bản án hành chính khi được ban hành tòa đều đã ra quyết định THA. Trong vòng một năm, nếu cơ quan hành chính không thi hành bản án thì tòa đều ra quyết định buộc phải thi hành, còn việc thi hành kỷ luật các cơ quan hành chính về việc không thi hành bản án thì không thuộc trách nhiệm của tòa án.

Không hạn chế thời gian tranh tụng của luật sư

Về việc tạo điều kiện cho luật sư (LS) được thực hiện quyền tranh tụng, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Cơ quan điều tra các cấp luôn tạo điều kiện cho LS theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2019, Bộ Công an ban hành Thông tư 46 quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 rất cụ thể.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì cho hay tòa án có nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi để các bên thực hiện tranh tụng. “Sự tham gia đúng đắn, đúng pháp luật của LS chính ra là con đường đi tới công lý, nên đã tạo điều kiện tối đa cho LS trong quá trình tranh tụng” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, TAND Tối cao đã có chỉ thị chỉ đạo toàn hệ thống không được hạn chế thời gian tranh tụng của LS. Tất cả các vấn đề LS nêu ra trong quá trình tranh tụng đều phải được giải quyết ở phiên tòa và phải được ghi vào biên bản. HĐXX chỉ được tuyên án trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai tại tòa.

“Đề nghị QH cần có tổng kết và giải pháp căn cơ chính là thay đổi quy định này, chứ không phải bản án xong rồi giao cho các bên tự nguyện thi hành” - ông Bình đề xuất.

Đồng tình với quan điểm của chánh án TAND Tối cao, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề xuất cần thay đổi cơ chế THA hành chính, phải có cơ chế trách nhiệm rõ ràng chứ không thể để hai bên thỏa thuận và tự nguyện thi hành.

Ngược lại với hai ý kiến trên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng tỉ lệ THA hành chính thấp không phải do sự bất cập từ pháp luật mà trước hết là lỗi trong việc tổ chức thực hiện các quy định đã có.

Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/2016, việc THA hành chính đầu tiên dựa trên sự tự nguyện của các bên, tuy nhiên nếu bên phải THA không tự nguyện thực hiện thì bên được THA có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên của người phải THA kiểm tra, đôn đốc và xem xét xử lý.

“Cơ chế THA hành chính không chỉ dựa trên sự tự nguyện của các bên mà còn có cả cơ chế kỷ luật đối với việc không THA. Thực tế có rất ít trường hợp bị thi hành kỷ luật do không THA hành chính. Vì vậy, lỗi là do tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm” - ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm