Ngày 3-8, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Công an tỉnh Đắk Nông đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Trịnh Sướng cùng 38 đồng phạm về tội sản xuất, mua bán hàng giả. Đây là vụ án làm xăng dầu giả lớn liên quan đến bị can Trịnh Sướng (53 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, ở Sóc Trăng) từng gây xôn xao dư luận.
39 bị can bị đề nghị truy tố
Theo kết luận điều tra, thời điểm xảy ra vụ án hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có các dấu hiệu bất thường. Theo đó, nhiều cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu được các đối tượng không phải là thương nhân phân phối hay tổng đại lý kinh doanh xăng dầu chào bán xăng với chiết khấu cao 2.800-4.000 đồng/lít. Mức chiết khấu này cao hơn rất nhiều lần so với mức chiết khấu chung của các thương nhân phân phối.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, bắt quả tang hai nhóm người bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh pha trộn với xăng để bán do Hồ Thị Nhẫn và Nguyễn Văn Hướng chủ trì. Số dung môi này Nhẫn mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt ở Đồng Nai. Các bị can Hướng, Loan và Việt mua dung môi của Công ty TNHH Phạm Sơn ở Cần Thơ do Nguyễn Thị Thu Hòa quản lý, điều hành.
Điều tra mở rộng, công an xác định Hòa mua dung môi từ Công ty cổ phần Dầu khí Bình Minh do Lưu Văn Nguyện điều hành, rồi bán lại cho nhiều tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, Hòa, Nguyện còn bán dung môi cho Trịnh Sướng và Đinh Chí Dũng ở TP.HCM.
Sau đó để triệt phá toàn bộ đường dây, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang hành vi phạm tội của nhóm Trịnh Sướng vào ngày 30-5-2019, tại khu vực phường Phước Thới, quận ô Môn, TP Cần Thơ.
Lúc này tàu Gia Thành 7 của Công ty TNHH Gia Thành đang bơm gần 420.000 lít toluene, MTBE đã pha trộn với xăng A95 lên bồn chứa xăng A95 (T8) của kho xăng dầu Ressol (thuộc Công ty cổ phần Thương mại hóa dầu Ressol) để tạo thành 1,5 triệu lít xăng giả.
Tổng số bị can bị đề nghị VKS truy tố trong vụ án là 39 người.
Cây xăng phân phối xăng giả của Công ty Gia Thành do Trịnh Sướng (ảnh nhỏ) điều hành. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Chi hơn 2.000 tỉ làm giả xăng, dầu
Cơ quan tố tụng xác định Công ty Gia Thành do Trương Như Tuyết làm giám đốc nhưng thực tế do Trịnh Sướng điều hành. Còn Công ty Ressol do Trịnh Thành Hưng đứng tên (con trai Sướng), Trịnh Sướng cũng sở hữu đến 75% cổ phần. Ngay sau đó công an đã bắt khẩn cấp Trịnh Sướng và những người liên quan.
Theo đó, quá trình kinh doanh xăng dầu, Sướng biết được cách sản xuất xăng bằng cách pha chế dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả. Đầu năm 2017, Sướng tổ chức mua dung môi, hóa chất để phục vụ cho việc sản xuất xăng giả.
Thông qua nhà phân phối Thành Long (Cần Thơ) do Mai Trung Hậu điều hành hoạt động, Sướng đã mua hàng trăm triệu lít dung môi với tổng số tiền hơn 1.021 tỉ đồng. Số dung môi này Hậu mua từ bốn công ty khác nhau và bà Lê Thị Hồng Thắm.
Hậu được Sướng cho hưởng lợi chênh lệch 50 đồng/lít dung môi, 50 đồng/kg hóa chất tăng RON, tương ứng với 3,2 tỉ đồng. Ngoài ra, Trịnh Sướng còn mua số lượng lớn dung môi từ nhiều tổ chức, cá nhân khác.
Từ ngày 9-1-2017 đến 30-5-2019, Trịnh Sướng đã thông qua Hậu, nhà phân phối Thành Long, Công ty TNHH Tấn Phúc ở Vĩnh Long và cửa hàng sơn Gia Hưng Phát mua hàng trăm triệu lít dung môi các loại với tổng số tiền hơn 2.051 tỉ đồng.
Trịnh Sướng cùng đồng phạm đã pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả. Sau đó Trịnh Sướng đã bán ra thị trường gần hết số xăng, dầu giả thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol.
Để che giấu doanh số bán ra khi bán xăng qua hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc sở hữu, Trịnh Sướng thuê người chỉnh đồng hồ đếm tổng của trụ bơm nhằm cân đối đầu vào, đầu ra. Đối với hệ thống đại lý phân phối, Trịnh Sướng bán hàng nhưng không xuất hóa đơn và thanh toán tiền bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Tổng số tiền Trịnh Sướng thu lợi bất chính là hơn 107 tỉ đồng.
Kết luận điều tra nhận định hành vi của các bị can rất nghiêm trọng, thực hiện tội phạm trong thời gian dài, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng... Các bị can đã lợi dụng sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng, pha trộn dung môi và hợp chất màu Azo với xăng, dầu để tạo thành sản phẩm xăng dầu giả nhằm thu lợi. Trong số các bị can có nhiều bị can là những người làm thuê đơn thuần, mong muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình mà phạm pháp.
Điều tra các chủ cây xăng về hành vi trốn thuế Theo cơ quan điều tra, có hơn 10 doanh nghiệp mua xăng từ đường dây này nhưng không biết là xăng giả, chỉ biết xăng không có hóa đơn, chứng từ nên không phải là đồng phạm. Tuy nhiên, sau đó các cá nhân, đơn vị đã bán xăng giả ra thị trường qua các cửa hàng xăng dầu nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai báo cáo thuế nên có dấu hiệu của tội trốn thuế. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội trốn thuế và tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định được Công ty TNHH Petro Ram Co (TP.HCM) do Nguyễn Văn Cường làm giám đốc có hành vi xuất hóa đơn quay vòng, xuất hóa đơn nhưng không có hàng. Hành vi này giúp Trịnh Sướng tăng doanh thu nhằm thuận lợi cho việc vay vốn, đáo hạn ngân hàng. Quá trình điều tra không có căn cứ xác định Cường biết Sướng pha chế xăng giả và xuất hóa đơn để hợp thức hóa mặt hàng xăng để giúp cho Sướng buôn bán xăng giả. Do đó, hành vi của Cường không đồng phạm với Sướng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, hành vi xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống để hưởng lợi của Cường có dấu hiệu của tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Vì vậy, cơ quan điều tra đã tách riêng, tiếp tục điều tra làm rõ, xem xét, xử lý sau. |