Hẳn bạn đọc còn nhớ sự kiện chánh án TAND tỉnh Kon Tum từng điều động ba chánh án huyện về tòa án tỉnh này để làm HĐXX phúc thẩm vụ cưa gỗ khô lần hai vào ngày 1-6-2018. Và HĐXX này đã ra phán quyết khiến những người dự khán phiên tòa đồng loạt vỗ tay: Cả năm bị cáo đều được tuyên trắng án.
Nay cả ba thẩm phán này đang phải đối diện với các hình thức xử lý trách nhiệm do đã ra phán quyết này.
Đồng nghiệp xử có tội, ba thẩm phán làm kiểm điểm
Ba thẩm phán ấy là ông Nguyễn Minh Thành - Chánh án TAND huyện Kon Rẫy (làm chủ tọa phiên tòa), ông Phạm Hữu Luân - Chánh án TAND huyện Đăk Glei và ông Trần Phú Lợi - Chánh án TAND huyện Ia H’drai. Còn vị chánh án tỉnh ký lệnh điều động này là thẩm phán A Brao Bim.
Cuối tháng 8-2018, TAND Tối cao đã điều động Chánh án A Brao Bim về làm phó vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng TAND Tối cao (và mới đây ông A Brao Bim đã nhận nhiệm vụ mới là phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum). Thay thế ông A Brao Bim làm chánh án là ông Nguyễn Văn Dũng, tiến sĩ luật, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang.
Lại nói về bản án phúc thẩm tuyên năm bị cáo vụ cưa gỗ khô không phạm tội, như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, bản án này sau đó bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm (do phó chánh án ký thay). Tháng 6-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm này và yêu cầu TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lại theo hướng có tội. Ngày 12-8, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần ba) đã tuyên năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản...
Sau phiên tòa này, ba thẩm phán Thành, Luân và Lợi phải viết bản kiểm điểm, theo Quyết định 120/QĐ-TANDTC ngày 19-6-2017 về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp.
Ba chánh án từng làm HĐXX tuyên năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Ảnh: NGÂN NGA
Tự nhận các hình thức xử lý trách nhiệm
Được biết cả ba bản kiểm điểm (của ba thẩm phán) có nội dung rằng khi xét xử phúc thẩm lần hai, họ đều nhất trí áp dụng Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản). Khúc gỗ trắc mà các bị cáo chặt ở rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Do đó cả ba thẩm phán đều cho rằng hành vi của năm bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Cạnh đó, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy các vụ án tương tự xảy ra tại rừng đặc dụng Đăk Hà, Vườn quốc gia Chư Mon Ray thuộc tỉnh Kon Tum và trên cả nước cũng không có địa phương nào xét xử các bị cáo cưa gỗ khô về tội trộm cắp tài sản.
Các thẩm phán cho rằng hiện bản án phúc thẩm lần ba ngày 12-8-2019 (do Phó Chánh án tỉnh Đỗ Thị Kim Thư làm chủ tọa) kết tội cả năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản đã có hiệu lực. Từ đó thẩm phán Nguyễn Minh Thành (chủ tọa phiên phúc thẩm lần hai) nhận hình thức xử lý là miễn nhiệm chức danh chánh án, ông Phạm Hữu Luân nhận hình thức xử lý là hạ một cấp bậc chức vụ xuống làm phó chánh án, ông Trần Phú Lợi nhận hình thức kiểm điểm về mặt Đảng.
“Phải bị xử lý dừng nhiệm vụ xét xử”
Ngày 12-9, TAND tỉnh Kon Tum báo cáo kết quả họp kiểm điểm thẩm phán về TAND Tối cao. Sau đó TAND Tối cao có văn bản gửi đến Chánh án TAND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Dũng có nội dung rằng: Việc HĐXX phúc thẩm lần hai tuyên năm bị cáo không phạm tội là bỏ lọt tội phạm thuộc trường hợp bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120/QĐ-TANDTC của chánh án TAND Tối cao.
“Đối với thẩm phán Nguyễn Minh Thành, với tư cách là chủ tọa, do đó trách nhiệm của ông Thành trong vụ án này là cao nhất. Theo quy định ban hành kèm theo Quyết định 120/QĐ-TANDTC thì không có hình thức “miễn nhiệm chức vụ chánh án” mà hành vi vi phạm của ông Thành phải bị xử lý dừng nhiệm vụ xét xử để bố trí công việc khác. Do đó, TAND tỉnh Kon Tum cần đối chiếu với quy định để bố trí công việc khác đối với thẩm phán Thành cho phù hợp với nguyện vọng cá nhân và nhu cầu của cơ quan, đơn vị” - công văn nêu.
Cũng theo TAND Tối cao, đối với thẩm phán Phạm Hữu Luân và Trần Phú Lợi là thành viên của HĐXX, khi tham gia xét xử, vai trò của các thành viên hội đồng được đánh giá là thấp hơn so với trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa. Vì vậy, khi xem xét trách nhiệm đối với hai thẩm phán này cần áp dụng hình thức xử lý trách nhiệm thấp hơn. Ban thanh tra (TAND Tối cao) nhận thấy các hình thức xử lý trách nhiệm mà thẩm phán Phạm Hữu Luân và Trần Phú Lợi tự nhận và được sự nhất trí của TAND tỉnh Kon Tum là phù hợp với vai trò, trách nhiệm với tư cách là thành viên của HĐXX.
Từ đó TAND Tối cao đề nghị chánh án TAND tỉnh Kon Tum căn cứ vào các quy định ban hành kèm theo Quyết định 120/2017, các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tế để xử lý trách nhiệm đối với các thẩm phán có hành vi vi phạm, báo cáo kết quả tới TAND Tối cao.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng kiến nghị vụ án Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ QH, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, trưởng Ban Dân nguyện, chánh án TAND Tối cao kiến nghị tiến hành giám sát và xem xét lại vụ án cưa gỗ khô. Qua nghiên cứu, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhận thấy quá trình giải quyết vụ án tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của QH ngày 8-8, đại diện cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT khẳng định cho đến thời điểm xử lý vụ án nói trên, đã có trên 1.500 vụ việc có hành vi tương tự và đều đã được xử lý về hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, riêng vụ cưa gỗ khô thì tòa án lại cáo buộc các bị cáo về tội trộm cắp tài sản. “Như vậy, ngay sau khi vụ án này được đưa ra xét xử thì đã làm nảy sinh hệ quả pháp lý mang tính tất yếu, đó là đã có hơn 1.500 vụ đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Việc này nếu đúng thì cần phải được QH giám sát ở cấp độ tối cao để có kết luận đầy đủ và các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải khôi phục lại trình tự tố tụng đối với 1.500 vụ nói trên” - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nêu. Từ đó Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét lại việc đánh giá chứng cứ buộc tội đối với năm bị án trong vụ án này để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội theo trình tự giám đốc thẩm. Trước đó ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (Đoàn TP.HCM) cũng có văn bản kiến nghị gửi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm (lần ba) kết tội năm bị cáo. Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại về việc ba chánh án bị kiểm điểm, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum Đặng Thanh Long nói đề nghị PV liên hệ với TAND tỉnh này để nắm thông tin. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến TAND tỉnh đăng ký gặp lãnh đạo thì đơn vị này từ chối tiếp PV. |