Hôm 9-5, tại buổi họp báo Liên hoan âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival), ngoài việc thông báo về sự trở lại của Liên hoan, nhạc sĩ Quốc Trung cũng đã chia sẻ về vấn đề "Mỹ tiến" của Sơn Tùng khi vừa ra mắt sản phẩm âm nhạc mới hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Sơn Tùng M-TP và nhạc sĩ Quốc Trung. Ảnh: FBNV |
“Mỹ tiến”: tham vọng như hiện nay là ảo tưởng
Cụ thể, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng tham vọng “Mỹ tiến” như Sơn Tùng M-TP là ảo tưởng.
"Thị trường ở những nước phát triển tính cạnh tranh rất mạnh, đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất lớn. Tôi chưa đặt vấn đề tài năng, chỉ nói kỹ thuật, quy trình, sự chuẩn bị để có một buổi biểu diễn ở nước ngoài các bạn ở Việt Nam còn chưa nắm được, chưa nói tới việc có thể tổ chức được.
Bởi phải tạo được nhu cầu thực sự với sản phẩm nghệ thuật của bạn ở thị trường mới đó thì bạn mới xâm nhập được vào thị trường đó. Cái này cần sự chuẩn bị lâu dài và bền vững” – nam nhạc sĩ chia sẻ.
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: N.A |
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng lấy ví dụ như Kpop có từ rất lâu nhưng cũng thâm nhập vào thị trường Mỹ mới đây.
Tuy nhiên, theo nam nhạc sĩ để đạt được như vậy thì không phải là nỗ lực của một vài nghệ sĩ mà nó đòi hỏi sự nỗ lực trong một thời gian dài của cả một hệ sinh thái liên quan như nhà tổ chức, chính sách từ chính phủ, sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn.
“Trong khi đó, đa phần nghệ sĩ trẻ mà anh tiếp xúc thì anh nhận thấy một điều rất đáng lo ngại. Đó là các bạn thậm chí không có khát vọng để đi ra thị trường quốc tế, không biết bắt đầu từ đâu, liên hệ với ai, phải chuẩn bị những gì… Và thường thì rơi vào một trạng thái là "lấy dự án như vậy để làm màu".
Việc xâm nhập vào một thị trường âm nhạc quốc tế bình thường thôi cũng đã khó khăn rồi, chưa nói tới xâm nhập thị trường lớn như Mỹ, Anh.
Các nghệ sĩ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... thị trường âm nhạc của họ đã vượt chúng ta nhiều năm mà còn chưa làm được việc "Mỹ tiến" thì nghệ sĩ Việt Nam, không thể từ trên sao Hỏa rơi xuống mà có thể làm được. Tài năng xuất chúng như vậy đòi hỏi một sự lao động bền vững, cần rất nhiều thời gian" – nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.
Nhạc sĩ đang áp đặt hay đang chỉ ra vấn đề?
Ngay sau chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Trung, trên các diễn đàn MXH dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Trên một diễn đàn hơn 2 triệu người theo dõi, bài viết này đã thu hút hơn 7.000 lượt thích và hơn 700 lượt bình luận. Ở phần bình luận một số cư dân mạng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung.
Tài khoản M.H.N viết: "Chú ấy nói quá chuẩn. Mà chả nói khơi khơi để cạnh khóe đâu, đọc cái phần phân tích thì thấy quá chí lý rồi".
"Mình rất thích Sơn Tùng nhưng chú ấy nói chuẩn ạ. Kpop có được như ngày hôm nay chính là sự đánh đổi của rất nhiều thế hệ và chính phủ.
Từ những năm 1990 chính phủ Hàn Quốc đã có ý định đưa nền công nghiệp giải trí ra quốc tế, từ việc cho những sinh viên giỏi sang Hollywood học rồi làm những bộ phim free như Bản tình ca mùa đông,… để tặng cho các nước khác (chính là chiến lược sử dụng hàng dùng thử bây giờ), hỗ trợ các công ty giải trí vì họ biết khi lĩnh vực giải trí phát triển thì các lĩnh vực khác sẽ đi theo.
Vậy mà sau bao năm vượt ra Châu Á, đến mấy năm gần đây mới có chút thành tựu ở thị trường Mỹ thì một ca sĩ VN không có hậu thuẫn từ chính phủ, không có hậu thuẫn từ nhiều bên khác, không phát triển theo team (Kpop phát triển thì các nghệ sĩ cùng nhau đi lên) thì sao có thể thành công Mỹ tiến được. Vậy nên chú ấy nói không sai, còn việc Sơn Tùng muốn nhận những góp ý ấy hay không là quyền của Sơn Tùng, thành công hay không cũng là Sơn Tùng chịu” – một tài khoản viết.
Sơn Tùng M-TP vừa phát hành MV "Making my way" được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ảnh: FBNV |
Ngược lại, một số cư dân mạng cho rằng nhạc sĩ Quốc Trung đang áp đặt, "dìm nhau để thể hiện cái tôi".
"Vậy nói như chú ai cũng sợ thì lấy ai làm tiên phong. Thà làm còn hơn không, nếu chưa thành thì lứa sau còn rút kinh nghiệm. Chưa gì đã nói như kiểu chẳng bao giờ chạm được tới. Kpop cũng phải có gen 2 tiên phong thì gen 3 gen 4 mới vực được như giờ".
"Không có người dám làm, dám thử thì thế hệ đi sau lấy đâu ra kinh nghiệm? Có thất bại đi chăng nữa thì người đi sau cũng biết được cần gì để làm rồi. Không làm được thì xin đừng sân si".
“Nếu không có ai tham vọng vào thị trường nước ngoài, không có ai hành động thì 100 năm nữa cũng chả có ai thành công đâu. Kpop mạnh như vậy mà cũng bao nhiều lần thử, thất bại rồi lại thử tiếp mới thành công thì Vpop có những người tiên phong như Sơn Tùng là điều nên khuyến khích mới đúng”.