Phạt nghiêm nồng độ, các tài xế đã sợ nhậu

Trong tuần, những thông tin về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc ủng hộ việc tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia khi lái xe.

Nhiều bạn đọc cho rằng từ khi quy định mới này được thực hiện thì ý thức người dân đang thay đổi dần theo chiều hướng tích cực.

Nghị định 100/2019 có nhiều điểm mới. Trong đó, điều khoản được nhiều người dân quan tâm là mức phạt cho các trường hợp vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh so với quy định cũ trước đó.

Tín hiệu vui khi quán nhậu vắng khách

Bạn đọc Thanh Sang bình luận: “Cũng cùng là người kinh doanh mặt hàng ăn uống nhưng tôi rất ủng hộ quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe. Thực tế cho thấy hiện nay chỗ nào cũng đầy quán ăn nhậu vừa tốn thời gian, tốn tiền bạc và sinh ra rất nhiều tệ nạn sau những bữa nhậu. Nào là tai nạn giao thông, bệnh tật, bạo hành gia đình, đánh chửi nhau… Tôi thấy nếu người dân không có nhu cầu nữa thì những người kinh doanh tự động chuyển sang nghề mới, lo gì thất nghiệp”.

“Dân ta nên bỏ dần thói quen nhậu ở các hàng quán đi là vừa. Nói thật chúng ta không thể cứ mãi nghĩ đến chuyện ăn nhậu, hàng quán rồi lái xe mất kiểm soát như vậy được. Chúng ta phải học từ những văn minh của các nước tiến bộ trên thế giới, họ rất nghiêm trong việc quản lý và sử dụng rượu, bia. Đúng là từ khi có quy định mới thì các quán nhậu vắng khách hẳn, một tín hiệu vui cho người Việt Nam” - bạn đọc Văn Long ý kiến.

Bạn đọc Sang Sang bình luận: “Thất thu của ngành dịch vụ ăn nhậu sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bởi hậu quả của các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra cho xã hội thì rất lớn, cả về vật chất lẫn con người. Số tiền phải chi ra để xử lý những hệ lụy của việc uống rượu, bia còn nhiều hơn lợi nhuận từ rượu, bia. Dù thông cảm với những người kinh doanh quán ăn nhậu khi doanh thu bị sụt giảm nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt thật nghiêm những người đã uống rượu, bia còn lái xe. Vì thế, quán nhậu vắng khách là dấu hiệu đáng mừng”.

Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Xử mạnh tay, dân đã biết sợ

Bạn đọc Trần Anh bình luận: “Phạt như vậy ai dám lái xe mà nhậu. Mọi người thử nghĩ xem, lương công nhân, nhân viên tháng có 6, 7 triệu đồng. Bạn bè rủ nhậu, cao hứng uống vài lon bia, xui xẻo bị CSGT phạt hết tháng lương, rồi chưa kể bị giam bằng lái lấy gì mà đi làm, khổ đủ đường”.

“Việc tăng thêm mức phạt và giam giấy phép lái xe lâu hơn cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật. Lâu nay người dân cứ hay bị lờn luật vì có vẻ mức phạt chưa “đủ đô” nên dân chưa sợ. Theo tôi, hãy luôn duy trì “sức nóng” và xử lý nghiêm khắc như vậy mãi, cái gì hễ đụng đến túi tiền thì ai cũng phải sợ” - bạn đọc Vũ Văn Tuy ý kiến.

Bạn đọc Minh Kha bình luận: “Nghị định 100 ra đời và áp dụng cũng giống những quy định trước đây về việc những người điều khiển mô tô thì bắt buộc đội mũ bảo hiểm hay quy định cấm đốt pháo đêm giao thừa thôi. Lúc đầu còn chút bỡ ngỡ và đôi chút khó chịu nhưng lâu dần rồi cũng thành thói quen và tự người dân ý thức được rằng hành vi đi xe là không sử dụng rượu, bia là điều tất nhiên”.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn khi áp dụng Nghị định 100.

Bạn đọc Lê Thái Bình cho rằng quy định phạt tiền ngay dù chỉ số dương tính với nồng độ cồn rất thấp là biện pháp khá cực đoan. Bởi thực tế dương tính với nồng độ cồn ở mức độ thấp không ảnh hưởng đến khả năng làm chủ, điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn.

Đừng để sự hồ đồ biến mình thành kẻ côn đồ

Trong tuần qua, bài viết “Rút tờ 500.000 trả tiền nước, bị đánh bầm dập” nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc. Nhiều ý kiến bức xúc bởi cách hành xử hồ đồ, thiếu văn hóa của một nhóm người chỉ vì nghi ngờ người khác sử dụng tiền giả.

Chiều 8-1, người đàn ông ngoài 30 tuổi chạy xe máy ghé quán nước ven quốc lộ 1, gần cầu vượt tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM) để giải khát.

Sau đó, người này trả tiền nước cho chủ quán bằng tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng.

Chủ quán nước cầm tờ tiền vò mạnh bằng tay để kiểm tra rồi cho rằng đây là tiền giả. Người đàn ông cự cãi thì bị nhóm 3-4 người gần đó vây đánh.

Nhóm người này sau đó tự ý khống chế, bắt người đàn ông đưa về văn phòng khu phố 3 gần đó để trình báo vì nghi ngờ dùng tiền giả. Qua làm việc, bước đầu người đàn ông cho biết số tiền trên trong khi buôn bán được khách hàng trả cho.

Tờ tiền 500.000 đồng sau đó được khẳng định là tiền thật và trao trả cho nạn nhân.

• “Sự hồ đồ, không kiểm soát đã biến những người này trở thành kẻ côn đồ, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Pháp luật phải trừng trị những người này làm gương để không xảy ra tình trạng tương tự nữa” Tống Trần Quảng

• “Chính quyền địa phương phải có biện pháp buộc những người hành hung bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, không thể vô cớ mà đánh người như thế được” - Trần Quốc Đạt

• “Giờ đi ra ngoài đường sợ nhất là những người ăn theo hùa nhau để được xem là anh hùng. Sợ thật, uống nước trả tiền bị đánh, đi vào khu phố tìm số nhà bị nghi trộm cũng bị đánh. Từ bao giờ người dân không còn có những cặp mắt thiện cảm dành cho nhau” - Nguyễn Tâm 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới