Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Nghệ An: Việc đổi tên xã Đôi Hậu chưa đến bước lấy ý kiến người dân” thông tin UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 -2025 (BCĐ), UBND tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính mới trên địa bàn huyện sau khi sắp xếp lại. Trong đó, đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính xã Quỳnh Hậu và xã Quỳnh Đôi, huyện đã đề nghị được điều chỉnh tên mới thành xã Đôi Hậu.
Được biết, xã Quỳnh Đôi có lịch sử và nổi tiếng với làng khoa bảng của nhiều thế hệ ở xứ Nghệ nói chung, cả nước nói riêng; đây cũng là nơi nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được sinh ra.
Thông tin này ngay lập tức nhận được nhiều bình luận của bạn đọc PLO.
Tên mới nghe buồn cười, không nói lên giá trị lịch sử
“Việc mất tên xã Quỳnh Đôi là sự đớn đau cho người dân Quỳnh Đôi quê tôi, bỏ tên xã Quỳnh Đôi là mất đi tất cả các nhân vật lịch sử đặc biệt mà sử sách đã lưu danh và tất cả người dân phải đi học lại vì Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương không còn là người Quỳnh Đôi mà là người “Đôi Hậu" tất cả sách sử phải in lại hết hay sao. Hơn nữa, cái tên “Đôn Hậu” nghe vừa tầm thường vừa không nói lên giá trị lịch sử của nơi này” - bạn đọc Phú Phan bộc bạch.
“Việc sáp nhập xã Quỳnh Đôi để mở rộng địa giới hành chính phường xã là rất đúng đắn, nhưng về cái tên thì nên xem xét với bề dày lịch sử của nơi này để giữ lại nét đẹp truyền thống xưa nay. Bà con các phường xã vẫn hy vọng sẽ có 1 cái tên phù hợp và có bề dày lịch sử hơn là Đôn Hậu” - Bạn đọc Thanh Trần chia sẻ.
“Nghe việc cái tên mới em đã thấy thật buồn cười và không phù hợp. Làng Quỳnh Đôi in dấu bao nhiêu dấu ấn. Tại sao lại phải đổi tên? Vậy tất cả người làng Quỳnh lại phải đổi tất cả mọi thứ sao?" - bạn đọc Huỳnh Nhân.
Bạn đọc Dương Anh bày tỏ: “Thời học Đại Học, thầy giáo bộ môn Văn hóa dân gian Việt Nam vẫn gọi cháu là “cô nàng Quỳnh Đôi” và cháu rất tự hào về điều đó. Giờ gọi Đôi Hậu buồn cười quá cô chú ạ”.
Gợi ý cách đặt tên sau khi sáp nhập
“Tôi kiến nghị nên thay tên mới có ý nghĩa gắn với quê hương Bà Chúa Thơ Nôm: Lấy tên Hồ Xuân Hương làm tên xã mới sau sáp nhập sẽ làm người dân tự hào và đồng thời gắn với tính nhân văn, lịch sử của vùng đất này mà không xã cũ nào phải băn khoăn” - bạn đọc Phúc Thành gợi ý.
“Tôi đề nghị là Quỳnh Đôi. Ý nghĩa là một đôi xã Quỳnh như một cặp song sinh. Có cả tên gốc của 2 xã mà cũng không nghiêng hẳn về xã nào” - bạn đọc Thanh Hiền chia sẻ.
Đồng quan điểm, bạn đọc Mai Ly phân tích: "Theo truyền thống thì đơn vị hành chính thuộc huyện nào thì có tên huyện đó trong tên xã là hay nhất. Như vậy, khi đọc tên xã người ta thường đã hiểu ngay là thuộc huyện nào rồi, ví dụ Quỳnh Minh, Quỳnh Lương... nên nếu tên mới cũng có chữ Quỳnh ở đầu thì hay hơn. Đối với tên gọi mới dự kiến là Đôi Hậu theo tôi nghe cũng kỳ và ít ý nghĩa. Đằng nào cũng là tên gọi mới đề nghị giữ lại là Quỳnh Đôi. Còn nếu không vận động được sự đồng thuận của dân hai xã, thì đề nghị tỉnh Nghệ An đặt một tên mới, nhưng cũng nên có chữ Quỳnh".
“Về việc đặt tên mới cho hai xã, đang có sự bất đồng về cái tên mới vừa đưa ra: Đôi Hậu. Tôi là người ngoài tỉnh cũng thấy cái tên này cũng kỳ kỳ. Vậy tôi cũng xin góp ý với hai xã nên thống nhất với cái tên mới tôi xin đề xuất là Quỳnh Đôi Hậu. Với cái tên này đều giữ được nét lịch sử vốn có của hai xã là Quỳnh và cái tên sau là Đôi Hậu. Chữ Đôi được đi trước chữ Hậu vì Quỳnh Đôi có lịch sử đi trước 600 năm. Quỳnh Hậu 400 năm, vậy với lòng chân tình tôi xin được góp ý đặt tên mới cho hai xã là Quỳnh Đôi Hậu” - bạn đọc Hùng Nguyễn đề xuất.
Bạn đọc Thanh Trần bình luận: "Nên đặt tên xã mới là Quỳnh Đôi Quỳnh Hậu. Tuy cái tên này hơi dài nhưng giữ được tất cả ý nghĩa xưa cũ. Dù ngắn hay dài thì cũng là cái tên thôi, ở nước ngoài còn có tên thị trấn dài mấy trăm chữ nữa mà".