Báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghỉ dịp 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày thông tin Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ ngành để trình Thủ tướng xem xét quyết định việc hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ Chiến thắng 30-4 và ngày Quốc tế lao động 1-5.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc bố trí hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục. Việc này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tin này nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bạn đọc.
Không hợp lý khi nghỉ ngắt quãng
“Rất đồng tình về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường bù vào hôm khác để được nghỉ một lúc 5 ngày trong dịp lễ 30-4. Tuy nhiên, tôi vẫn mong lần sau có đề xuất sớm hơn để cho người dân có thể có kế hoạch từ trước để có thể về quê, đi du lịch,..”, bạn đọc Dung Nguyễn bày tỏ.
“Mình ủng hộ đề xuất nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp lễ tới. Mình hoàn toàn có thể sắp xếp làm bù vào ngày khác hoặc ngày thứ bảy. Một số ngành, nghề cũng có thể làm online từ xa nên cũng thuận tiện, chứ nếu để nghỉ hai ngày cuối tuần xong đi làm sau đó lại nghỉ lễ thì cũng không thể làm được gì hết”, bạn đọc Xuân Hội đồng tình.
“Thứ 7, Chủ nhật nghỉ, thứ 2 đi làm rồi ngày thứ 3, thứ 4 lại đi nghỉ Lễ thì cũng quá kỳ. Ngày thứ 2 ai đi làm cũng chẳng có tâm trí và năng suất lao động sẽ rất thấp mà nghỉ như thế cũng không đi du lịch, đi thăm bạn bè, bà con, về quê,... được. Bởi vậy đề xuất nghỉ liên tục 5 ngày là đúng. Gia đình có điều kiện thì có thể đi du lịch, kích cầu kinh tế tạo cơ hội làm ăn cho những người khác. Gia đình nào khó khăn hơn thì ở nhà sum họp gia đình, anh em bạn bè hay nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Nếu không hoán đổi mà nghỉ Lễ 2 ngày thì cũng như nghỉ thứ 7, Chủ nhật bình thường thôi, chẳng có thời gian để vui chơi giải trí”, bạn đọc Võ Minh bày tỏ.
Bạn đọc Hoplh107dsvp cũng nêu ý kiến: Nên bố trí nghỉ 5 ngày và làm bù vào thứ 7 để người lao động xa nhà đi lại đỡ vất vả.
Một dịp cho người lao động thư giãn, kích cầu du lịch
“Một năm làm việc 365 ngày, chúng ta chỉ có 2 kì nghỉ lễ lớn là 30/4 - 1/5 và 2/9. Thời gian xem như cũng được chia đều ra, cân bằng, tái tạo năng lượng làm việc. Tầm 3-4 tháng là được nghỉ nhiều ngày. Sau kỳ nghỉ dài ngày, năng lượng làm việc hăng say hơn, đạt hiệu quả hơn. Mặc dù kinh tế giờ khó khăn, chúng ta cũng cần phải nghỉ ngơi tạo cho mình động lực, thổi làn gió tinh thần làm việc mới hăng say hơn”, bạn đọc Hiếu Lê phân tích.
“Tôi thấy dịp lễ 30-4 là một trong những cơ hội lớn để kích cầu du lịch nội địa. Dù biết là thời buổi kinh tế khó khăn, tuy nhiên nếu người dân có thể có thời gian rảnh rỗi thì họ hoàn toàn có thể thư giãn đi du lịch cùng gia đình, bạn bè tùy chặng ngắn, dài,...Điều đó chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu lớn cũng như kích cầu lại du lịch nội địa, vốn đã bị tổn hại nặng nề sau những năm tháng đại dịch. Tại sao chúng ta có cơ hội để kích cầu thì lại bỏ lỡ nó?”, bạn đọc Trí Trần thắc mắc.
“Tôi mong Bộ LĐ-TB&XH cho nghỉ nhiều để kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Bản thân tôi cả năm cắm mặt vào làm, muốn đi du lịch cùng gia đình cũng không biết đi kiểu gì. Nghỉ 1-2 ngày thì ở nhà cho khỏe chứ có đi đâu được. Việc nghỉ 5 ngày như vậy có thể tạo điều kiện cho người dân có thêm thời gian để đi du lịch. Cái cần làm là tăng năng suất lao động chứ không phải tăng thời gian lao động. Mà để tăng năng suất thì tinh thần phải thoải mái”, bạn đọc Minh Hoàng chia sẻ.
Ngoài các ý kiến đồng tình, vẫn có một số ý kiến phản bác đề xuất tăng ngày nghỉ dịp lễ 30-4. Bạn đọc Bảo Nguyễn chia sẻ: “Số ngày nghỉ là quá nhiều và không cần thiết. Kinh tế nước ta còn kém phát triển, đã vậy năm nay còn là năm khó khăn. Nếu nghỉ dài ngày như vậy thì nhân công đâu để mà đáp ứng sản xuất?”.
Có bạn đọc cũng đặt vấn đề: Lịch hằng năm đều đã tính toán từ trước. Thậm chí từ cuối năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tính toán tham mưu cho cho Chính phủ ban hành lịch nghỉ Lễ, giờ lại thay đổi, làm sao doanh nghiệp hay người lao động có thể xoay xở, tính toán kịp?