Theo đó, với nhóm các cơ quan báo chí thì sắp xếp theo hướng mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cùng các cơ quan TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ có một báo in, một tạp chí in.
Về phát thanh, truyền hình, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trung tâm riêng của lực lượng. Cũng như vậy, các tỉnh, thành còn có một đài phát thanh và truyền hình, mà riêng TP.HCM có đài phát thanh độc lập với đài truyền hình. Văn phòng Quốc hội ngoài báo, tạp chí như các bộ thì có thêm truyền hình Quốc hội.
Với những địa phương trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch thì được tổ chức cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Còn các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện công lập nếu đủ điều kiện thì được tổ chức một tạp chí khoa học gắn với chuyên ngành của mình.
Cũng theo quy hoạch trên, Ban Chấp hành Trung ương có báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản. Mỗi ban Đảng ở trung ương có một cơ quan tạp chí in.
Các cơ quan, tổ chức có báo, tạp chí in thì cũng được xuất bản báo, tạp chí điện tử.
Ngoài nhóm các cơ quan báo chí, quy hoạch cũng đặt ra một số mục tiêu với với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực truyền thông, tần số vô tuyến điện và công nghệ thông tin. Tinh thần chung là giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị và 10% biên chế hưởng lương ngân sách…
Với nhóm cơ quan báo chí, ngoài định hướng chung nêu trên, quy hoạch này không chi tiết, cụ thể lộ trình, bước đi, nguyên tắc sắp xếp. Nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết các vấn đề này sẽ được đưa vào một quy hoạch riêng về “phát triển và quản lý báo chí toàn quốc”, đang được Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo để trình Thủ tướng ban hành. Các nội dung liên quan đến báo chí ở hai bản quy hoạch này sẽ phải bám sát Đề án quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, được Bộ Chính trị thông qua từ nhiệm kỳ trước.