Ngày 22-4, tại trường Trung học cơ sở Quang Trung (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) Hội Luật gia TP. Đà Lạt, Tòa án nhân dân TP. Đà Lạt phối hợp Trường THCS Quang Trung tổ chức phiên tòa giả định.
Hàng ngàn học sinh, phụ huynh và giáo viên tham dự phiên toà giả định. Ảnh: CTV |
Phiên toà giả định đã thu hút phụ huynh của 48 lớp học, cùng 2300 học sinh cùng toàn thể giáo viên trường THCS Quang Trung tham dự
Nội dung phiên toà giả định là TAND TP. Đà Lạt mở phiên toà sơ thẩm công khai xét xử vụ án đối với bị cáo Đỗ Ngọc Châu và các đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích”.
Phiên toà giả định là một trong những hình thức giáo dục trực quan, đem đến hiệu quả cao. Ảnh: CTV |
Cụ thể, lấy tình huống một nhóm học sinh cấp 3 trên đại bàn TP Đà Lạt có mâu thuẫn trong chuyện yêu đương nên hẹn nhau ra ngoài để giải quyết.
Sau đó, hai nhóm học sinh đến một địa điểm du lịch ở phường 2, TP đà Lạt để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, sau khi cãi vã thì một nhóm học sinh yêu cầu bạn mình hoặc xin lỗi hoặc đánh nhau cả hai nhóm bạn chọn đánh nhau thay vì nhận lỗi và giảng hoà.
Trong khi đánh nhau, một nhóm đã sử dụng điện thoại thông minh để ghi hình nhằm chia lên mạng xã hội.
Trong khi 2 nữ sinh đánh nhau thì một nhóm học sinh khác bên ngoài cổ vũ thay vì can ngăn bạn mình. Sau khi đánh nhau, nhóm học sinh còn bắt bạn mình phải quỳ xuống xin lỗi thì mới không tiếp tục đánh và cho bạn về.
Sau khi phát hiện sự việc nghiêm trọng, gia đình bị hại đã đưa con đến cơ quan Công an trình báo...
Thầy Võ Ngọc Hưởng – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết, việc mở phiên toà giả định là một hình thức giáo dục rất ý nghĩa, hiệu quả. Đây là bài học trực quan rất cụ thể, rất gần gũi với các em học sinh. Qua đó giúp cho các em thấy rõ hành vi sai trái ở từng vụ việc để sửa đổi.
Đồng thời, giúp phụ huynh nhìn nhận lại cách giám sát, theo dõi con em mình để kịp thời điều chỉnh, tránh việc con em mình gây ra những hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều phụ huynh đánh giá rất cao phiên toà giả định. Ảnh: CTV |
Cũng cần nhắc lại, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc dư luận.
Theo lãnh đạo công an tỉnh Lâm Đồng, ở lứa tuổi vị thành niên, việc giáo dục, răn đe trong trường học và sự quan tâm phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh có ý nghĩa quyết định.
Việc ngăn ngừa còn cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc giáo dục con em thay vì chỉ dựa vào các biện pháp mang tính xử lý từ cơ quan công an.