Từ ngày 23 đến 27-11 sẽ diễn ra Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ ba. Nếu tính cả LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) thì Việt Nam hiện có ba sự kiện điện ảnh lớn được tổ chức định kỳ: Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam (tổ chức hằng năm); LHP Việt Nam và LHP quốc tế Hà Nội của Cục Điện ảnh Việt Nam (tổ chức hai năm/lần). Ba giải thưởng có thể là ít với một số người nhưng với công chúng thì dù có một giải thưởng, một kỳ LHP hay nhiều hơn dường như chẳng khác nhau.
LHP Việt Nam vẫn theo kiểu đem phim đến dự và chia nhau giải thưởng. Trong ảnh: Trao giải tại LHP Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh. Ảnh: TL
Chạy vòng theo chủ trương
Nhìn lại ba sự kiện điện ảnh này sẽ thấy mỗi ban tổ chức sự kiện đều hướng đến một mục tiêu khác nhau. Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam được ban tổ chức xem như là sự kiện tổng kết năm của ngành điện ảnh. LHP Việt Nam là một giải thưởng điện ảnh gắn với chủ trương của Bộ VH-TT&DL nhằm kích cầu du lịch địa phương, vì thế LHP này cứ chạy vòng các tỉnh, thành từ Hà Nội, TP.HCM đến các tỉnh miền xa xôi: Buôn Ma Thuột, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ninh…
Và LHP quốc tế Hà Nội lại có mục tiêu tăng cường giao lưu văn hóa và quảng bá ngành công nghiệp điện ảnh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những mục tiêu này cũng thường được ban tổ chức đưa ra để biện minh cho tầm quan trọng của sự kiện cũng như việc nhỡ may sự kiện không được công chúng quan tâm. Như giải Cánh diều, càng ngày giải thưởng càng co cụm lại trong khuôn khổ một buổi gặp nhỏ tôn vinh nhau của một nhóm nhỏ làm điện ảnh. Lễ trao giải thưởng giải Cánh diều càng ít nhận được sự quan tâm từ công chúng, không có truyền hình trực tiếp và truyền thông cũng không mặn mà lưu tâm.
Đìu hiu không thua kém giải Cánh diều là LHP Việt Nam. Mỗi mùa LHP lại lũ lượt kéo lèo tèo vài chục nghệ sĩ về một tỉnh, thành tổ chức. Chỉ riêng việc tổ chức LHP theo kiểu du mục như vậy đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của sự kiện điện ảnh được cho là lớn nhất. Chưa kể đến rất nhiều mùa LHP công chúng tỉnh, thành tổ chức còn không biết đến sự hiện diện của LHP tại tỉnh, thành họ sống; từ đó dẫn đến việc nhiều nơi huy động học sinh THCS đi xem… phim 18+ cho đầy rạp.
Tổ chức giải theo cách làm của những năm… 1970
Lâu nay nhiều LHP trên thế giới thường chọn diễn ra ở một địa danh cố định. Việc chọn địa danh cố định giúp định danh được tên gọi, nơi diễn ra LHP và từ đó mới hy vọng kích cầu du lịch vùng đất đó. Còn cái tên LHP Việt Nam thì địa danh Việt Nam quá lớn cho khuôn khổ một LHP trong nước và cũng nhờ chữ Việt Nam mà LHP tha hồ được chu du từ tỉnh, thành này qua vùng đất khác, miễn trong Việt Nam là ổn.
Bên cạnh việc còn lờ mờ từ mục đích, tên gọi thì việc lựa chọn phim tranh giải cũng theo kiểu à ơi. Giải Cánh diều là giải tổng kết của một hội nghề nghiệp nhưng nhiều mùa giải, phim tham dự chỉ trên dưới 50% số phim Việt được sản xuất hằng năm. LHP Việt Nam thu hút được nhiều phim hơn giải Cánh diều chút xíu nhưng lại rơi vào tình trạng phim cũ đã dự Cánh diều do LHP Việt Nam hai năm mới tổ chức một lần; hoặc phim tham dự tranh giải mà công chúng chưa bao giờ biết có bộ phim như thế tồn tại.
Cho đến hiện tại, cách tổ chức giải Cánh diều lẫn LHP Việt Nam đều theo cách làm của những năm 1970, kiểu các nhà sản xuất phim tập hợp phim đến, ngồi xem cùng nhau rồi chia nhau giải thưởng.
Thực tế những giải thưởng điện ảnh hay LHP trong nước thường là tiền đề để gây sự chú ý với điện ảnh các quốc gia khác, từ đó mới hy vọng tổ chức được một LHP quốc tế kha khá. Thế nhưng với điện ảnh Việt, trên tiền đề giải Cánh diều và LHP Việt Nam ngày càng lèo tèo thì rất khó có một LHP quốc tế tầm cỡ khu vực. Có lẽ từ tiền đề lèo tèo đó mà LHP quốc tế Hà Nội bước vào mùa thứ ba vẫn không mấy công chúng quan tâm. Và ngay với những người làm nghề trong nước, nếu ban tổ chức không mời thì họ cũng không tham dự.
Chết trên sân nhà Doanh thu từ điện ảnh mỗi năm đều tăng: 2012: 1.000 tỉ đồng; 2013: 1.250 tỉ đồng và từ đầu năm 2014 đến nay là 1.600 tỉ đồng. Nhưng doanh thu điện ảnh chủ yếu đến từ phim ngoại; như năm 2012 tỉ lệ phim nội và phim ngoại là 16/127 và năm 2013 là 26/170. Với những con số như vậy, các nhà quản lý điện ảnh nên để tâm đến việc làm sao để chất lượng phim Việt khá hơn, phim Việt có doanh thu cao hơn ở thị trường nội địa… đừng khư khư ôm kéo kiểm duyệt hay “mơ giấc mộng dài” một LHP tầm khu vực. |
|