Phó Thủ tướng: 'Tôi tha thiết đề nghị đại biểu ủng hộ áp thuế 5% với phân bón'

(PLO)- Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay giai đoạn 2018-2022, dù không áp thuế 5% với phân bón nhưng giá phân đạm urê vẫn tăng 19,71% - 43%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-10, Quốc hội thảo luận về dự Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ về phương án áp 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết trước năm 2015, thuế VAT được áp với phân bón là 5%. Sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, Quốc hội khoá XIV đã ban hành Luật số 71, có hiệu lực từ 1-1-2015, đưa mặt hàng phân bón sang diện không phải chịu thuế VAT.

Đến nay, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Kiểm toán Nhà nước, một số đoàn đại biểu Quốc hội, Hiệp hội phân bón, doanh nghiệp sản xuất phân bón… đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

áp thuế 5% với phân bón.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo Phó Thủ tướng, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vấn đề thuế tăng hay giảm, mà còn phụ thuộc vào giá thành sản xuất, tình hình thị trường, vấn đề cung cầu…

“Khi đang thực hiện không thu thuế mặt hàng này, giai đoạn 2018-2022 giá phân đạm u rê vẫn tăng 19,71% - 43%. Năm 2023, giá phân u rê lại tăng hơn 60% do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukrainer làm tác động đến nguồn cung phân bón. Điều đó cho thấy giá phân bón phụ thuộc vào cung - cầu là chủ yếu” - ông Phớc nói.

Tiếp tục phân tích về lợi ích nhận được của người dân, doanh nghiệp khi áp thuế này, Phó Thủ tướng nói việc đánh thuế VAT 5% này sẽ giúp doanh nghiệp phân bón trong nước có lợi thế, có điều kiện cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Khi có thuế, ước tính doanh nghiệp nước ngoài phải nộp 1.500 tỉ đồng còn doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp 200 tỉ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp trong nước có điều kiện cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, giảm giá bán cho người nông dân.

"Tôi tha thiết đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án thuế VAT với phân bón là 5%" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính bày tỏ.

Trước đó, khi phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc áp thuế suất 5% với phân bón. Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đã có những tranh luận liên quan đến việc tăng hay không tăng thuế suất với phân bón.

Hiện nay, VAT đang “đánh” vào đại bộ phận người dùng phân bón, thực phẩm, nông sản. Vì vậy, ông Hạ cho rằng đề xuất này cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng. Bởi khi người nông dân mua phân bón không có hóa đơn thì không được khấu hao đầu vào. Cho nên, chuyện “đánh” 5% thuế với phân bón là người nông dân phải chịu.

Vì vậy, đại biểu đề xuất đưa mặt hàng phân bón với thuế suất 0%, khi đó các doanh nghiệp phân bón được khấu trừ thuế đầu vào và người nông dân không phải chịu giá tăng.

Câu chuyện cạnh tranh giữa 70% nhập khẩu và 30% trong nước, ông Hạ cho biết các doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ… để giảm giá thành, đảm bảo cạnh tranh.

“Người dân đã rất cực, may được mùa lại mất giá. Nếu bây giờ tiếp tục đánh thuế 5% thì người dân phải chịu nữa, tôi nghĩ như vậy rất tội cho người dân” - đại biểu cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm