Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị không ngủ để chống bão

Chiều 27-10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Thời điểm này, Quảng Ngãi trời đã mưa rất to.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (hàng trên, thứ 3 từ phải) chỉ đạo công tác phòng chóng bão tại Khu kinh tế Dung Quốc (Quảng Ngãi). Ảnh: HẢI HIẾU

Phó thủ tướng cho biết đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và Quảng Ngãi là tâm bão. Tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng người dân, bảo về tài sản của người dân và Nhà nước.

Phó Thủ tướng đề nghị địa phương này rà soát lại tất cả tàu thuyền đã đảm bảo neo đậu an toàn hay chưa và người dân tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền. Đồng thời, tập trung sơ tán người dân chậm nhất là đến 19 giờ cùng ngày.

"Phải đảm bảo tính mạng của người dân. Những người nào ở nơi không an toàn mà không chịu di tản, nhất quyết cưỡng chế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cảnh báo nếu không làm tốt công tác phòng chống sẽ thiệt hại rất nặng nề. Ông đề nghị tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 9, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại hiện trường.

Đặc biệt, ông gọi một lãnh đạo của quân đội tại địa phương vào đến để dặn dò kỹ càng. Phó thủ tướng yêu cầu quân đội phải là lực lượng tiên phong trong việc cứu dân. Nhưng trước tiên phòng là chính là phải đưa người dân đến nơi an toàn chứ khi bão vào rồi sẽ không thể làm gì.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị các đơn vị cần xác định đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc. Các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật.

Người dân ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), một xã giáp biển tất bật lên xe để sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: HẢI HIẾU

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, tỉnh này đã lập Ban chỉ huy tiền phương do ông này làm trưởng ban. Các số liệu, kịch bản về ứng phó với bão, lũ lụt, sạt lở đất đã được lập. 

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có như hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay... để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn  nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa.

Người dân xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) dùng cát bỏ lên mái nhà để chống bão. Ảnh: HẢI HIẾU

Tỉnh này sẽ làm theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng, chống bão; vận động, tuyên truyền người dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Các nhà mạng viễn thông đã thực hiện việc nhắn tin cảnh báo bão số 9 đến tất cả các thuê bao để người dân biết, chủ động ứng phó. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cho học sinh các cấp nghỉ học từ chiều ngày 27 đến hết ngày 29-10. Tạm dừng các công trình đang thi công, đưa toàn bộ công nhân ra khỏi hiện trường và chỉ bố trí lực lượng, phương tiện để theo dõi, kịp thời xử lý các tình huống sự cố có thể xảy ra tại công trình.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Tổng số dân cần di dời, sơ tán là 31.460 hộ/ 119.182 khẩu. Trong đó Lý Sơn: 287 hộ/ 1.105 khẩu; Bình Sơn: 12.000 hộ/ 45.808 khẩu; Mộ Đức: 3.280 hộ/ 13.171 khẩu; TP Quảng Ngãi: 7.410 hộ/ 29.822 khẩu, Thị xã Đức Phổ: 1.842 hộ/ 7.140 khẩu, Nghĩa Hành: 808 hộ/ 2.505 khẩu; Tư Nghĩa: 4.309 hộ/ 14.440 khẩu; Sơn Tịnh: 1.443 hộ/ 5.227 khẩu). Đối với các huyện còn lại sẽ thực hiện theo Phương án Ứng phó thiên tai đã có. 

Tỉnh này đã hoàn thành việc nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 20 giờ ngày 26-10. Hiện các tàu đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú bão an toàn, trong đó có nhiều tàu của các tỉnh khác hoạt động trên địa bàn.

Về công tác ứng phó sạt lở đất: Tổng số hộ dân dân cư sơ tán là: 1.718 hộ/ 6.703 khẩu, gồm: Minh Long: 04 hộ/ 14 khẩu; Ba Tơ: 569 hộ/ 2.223 khẩu; Trà Bồng: 446 hộ/ 1.618 khẩu; Sơn Tây: 352 hộ/ 1.381 khẩu; Sơn Hà: 347 hộ/ 1.467 khẩu.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm