Ứng phó bão số 9: Có thể phải sơ tán tới 1,2 triệu dân

Sáng 26-10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với bão số Molave, là cơn bão số 9 năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó tại cuộc họp.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về cơn bão số 9. Ảnh: NGỌC HÀ

Có thể phải sơ tán 1,2 triệu người

Sáng 26-10, bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020, cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 14 và tiếp tục mạnh thêm. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Trung tâm KTTVQG) đã phát tin bão khẩn cấp về cơn bão này.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm KTTVQG cho biết cơn bão này di chuyển rất nhanh, cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng trên đất liền rộng.

Dự báo từ chiều 27-10 đến hết 28-10, vùng biển ven bờ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh, giông lốc. Vùng ảnh hưởng của bão sẽ kéo dài từ Nam Nghệ An đến Khánh Hòa, trọng tâm từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Gió mạnh không chỉ ở các tỉnh ven biển mà khu vực Tây Nguyên cũng có gió giật, nên cần hết sức cảnh giác.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi tám tỉnh ảnh hưởng của bão thì tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 là hơn 1,2 triệu người.

Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa là 25.063 tàu thuyề, nhưng tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.

Diện tích nuôi trồng thủy sản đang có 14.063 ha và 178.938 lồng, bè. Hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh – Phú Yên có 21 hồ đang xả đón lũ.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy quan Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận triển khai lực lượng với 368.902 người/3.562 phương tiện để ứng phó với bão.

Hủy cuộc họp không cần thiết để chống bão số 9

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang trong tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung Việt Nam. Do đó các tỉnh không được mất cảnh giác, phải luôn chủ động phòng tránh để khi bão vào cũng đỡ thiệt hại cho nhân dân, địa phương. Kể cả bão không vào cũng là kinh nghiệm tốt trong quá trình chống siêu bão với cấp độ 12.

Đối với cơn bão số 9, gió bão rất mạnh kéo dài từ 27 đến 29-10, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân trên biển, ven bờ, kiên quyết đưa ngư dân lên bờ khi bão chuẩn bị đổ bộ.

Các địa phương cũng cần có phương án sơ tán dân phù hợp, vì nếu cấp bão đúng như dự báo này thì ảnh hưởng rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: NGỌC HÀ

Bão số 9 được dự báo phạm vi ảnh hưởng rất rộng, hoàn lưu trước bão và sau khi bão đổ bộ gây mưa lớn, gió mạnh ở nhiều nơi.

“Ở miền Trung nước ngâm lâu ngày thì vấn đề sạt lở núi là điều có thể xảy ra, do đó cần chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời triển khai việc chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn hồ đập vì hiện phần lớn các hồ đã đầy nước, không để như tình trạng hồ Kẻ Gỗ vừa rồi” – Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tập trung sức cứu dân, hỗ trợ dân trước và sau bão. Sử dụng các phương án mạnh, huy động xe tăng, trực thăng để kịp thời cứu hộ nhân dân. Sau bão lũ, ngành điện đảm bảo điện cho nhân dân; đảm bảo giao thông thông suốt, không để bị tắc trở nhiều ngày.

Các ngành, các địa phương chuẩn bị hàng hóa không để người dân bị thiếu thốn. Các địa phương quán triệt tinh thần bốn tại chỗ, không chờ đợi, tăng cường các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, nhất là địa phương chưa từng trải qua các cơn bão lớn như vậy thì càng phải cần triển khai ứng phó quyết liệt, không chủ quan.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các ngành Trung ương liên quan không tổ chức họp, trừ những cuộc họp rất cần thiết để tập trung lực lượng, đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, huyện, xã và vận động nhân dân thực hiện tốt việc phòng chống bão, lũ trong đợt này. Quan trọng nhất là người dân phải nhận thức được để sẵn sàng sơ tán, chứ không phải cứ ở trong vùng nguy hiểm để ảnh hưởng đến tính mạng.

Đối với việc cứu hộ, khắc phục hậu quả do mưa, lũ ở miền Trung, Thủ tướng yêu cầu việc cứu hộ cứu nạn hỗ trợ cho năm tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục triển khai nhằm tìm kiếm người mất tích, ổn dịnh cuộc sống cho người dân.

“Đừng để người dân trong cảnh màn trời chiếu đất, đói rét” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm