Miền Trung khắc phục hậu quả lũ, lo chống bão

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay đợt mưa lũ đã làm 148 người chết và mất tích (mất tích 18 người). Hiện ở tỉnh Quảng Bình còn 326 căn nhà bị ngập (ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Ba Đồn).

Chủ động nên đã giảm thiểu hậu quả

Lũ đã làm gần 900 căn nhà ở các tỉnh Trung Trung bộ bị hư hỏng, gần 10.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; khoảng 1 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Lũ, sạt lở làm hư hỏng, ách tắc nhiều tuyến đường và hiện một số nơi đang cấm đường vì chưa khắc phục xong.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là đợt lũ lịch sử, gây tổn thất lớn. Nhờ sự quyết liệt, chủ động của các cấp, các lực lượng mà hậu quả phần nào được giảm thiểu so với trận lũ năm 1999 (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích).

Chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài cho công tác ứng phó thiên tai, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng và người dân về tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất.

Các cơ quan chức năng phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, tiếp tục lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Về công tác khắc phục hậu quả trước mắt, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 điều động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ với hàng trăm phương tiện phối hợp với lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân. Điều động máy bay thả hàng cứu trợ cho người dân xã Hướng Việt ở tỉnh Quảng Trị.

Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị 10 tấn xúc xích và thịt viên. Hỗ trợ thực phẩm, bếp cồn, tiền mặt, hóa chất khử trùng cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Trung tâm điều phối ASEAN về điều phối nhân đạo trong thiên tai đã chuyển hàng viện trợ tới hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị gồm 500 bộ sửa chữa nhà cửa và 650 bộ nhà bếp cho mỗi tỉnh.

Các bộ GTVT, Công Thương, Công an tiếp tục triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục giao thông, điện.

Các tỉnh cũng huy động và phân bổ hơn 100 tấn gạo, gần 73.000 thùng mì tôm, hàng chục ngàn thùng nước uống, sữa, lương khô và gần 50 tỉ đồng cho người dân. Điện lực đang khẩn trương khôi phục, cung cấp điện trở lại cho một số nơi.

Khẩn trương dọn dẹp trường học khi nước lũ rút. Ảnh: B.TOÀN

Các tỉnh vừa khắc phục lũ, vừa chống bão

Ngày 25-10, nước lũ tại các địa phương bắt đầu rút dần, nhiều nơi người dân tranh thủ thời gian để sửa chữa lại nhà cửa, thu dọn những gì còn sót lại sau lũ.

Vừa dọn dẹp người dân vừa chuẩn bị đối phó với bão số 8 sắp đổ bộ và bão số 9 đang ngấp nghé ngoài Biển Đông.

“Lũ lụt năm nay đáng sợ thật, cũng may thời điểm lũ dâng tôi đã kịp thu dọn những giấy tờ quan trọng, đưa vợ con sang trú bên nhà nội. Nhìn nhiều vật dụng trong nhà trôi lềnh bềnh trong lũ thì xót thật nhưng giữ được người là yên tâm rồi, tài sản sau này có thể làm lại được” - anh Nguyễn Quốc Tấn (thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nói.

Các trường học bị ngập lụt đang được thầy cô, chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội tham gia dọn dẹp.

Tại Quảng Trị, nước rút nhiều nhưng đường Hồ Chí Minh nhánh tây bị sạt lở nghiêm trọng khiến xã Hướng Việt bị cô lập hoàn toàn. Đoàn y, bác sĩ, bộ đội, biên phòng đã đi bộ vượt nhiều cây số đường nguy hiểm để đến với Hướng Việt...

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cũng cho biết hiện lực lượng chức năng khẩn trương khai thông tuyến đường bị sạt lở. Đồng thời tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để người dân trong huyện sớm ổn định cuộc sống, tránh cảnh màn trời chiếu đất.

Cùng với việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả của lũ, người dân cũng khẩn trương ứng phó với bão bằng việc gia cố nhà cửa, chuẩn bị nhu yếu phẩm để đối phó với tình hình mưa bão dự báo sẽ tiếp diễn trong những ngày tới.

“Hiện nay tại các địa phương đã no nước, chỉ cần một trận mưa lớn sẽ tiếp tục gây ngập úng trở lại. Người dân ở đây ngoài lo bão với cường độ mạnh sẽ gây hư hỏng nhà cửa thì cũng lo bão sẽ khiến mưa lớn, lúc đó thì không biết khi nào người dân mới hết cảnh nhà cửa chìm trong nước” - anh Nguyễn Hiệp (27 tuổi, ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền) lo lắng...

Tạm ngưng đưa người vào Rào Trăng 3  

Ngày 25-10, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết địa bàn tỉnh đang có mưa to do ảnh hưởng của bão số 8 nên ban chỉ huy đã yêu cầu lực lượng cứu hộ thu xếp hiện trường để phòng, chống bão, tạm thời không đưa người vào Rào Trăng 3 do nguy cơ sạt lở, lũ qua tràn sẽ cao.

Theo đó, trước 13 giờ chiều nay, toàn bộ lực lượng cứu hộ sẽ di chuyển về thủy điện Rào Trăng 4 để đảm bảo an toàn, sẵn sàng chờ lệnh tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm những người mất tích khi thời tiết thuận lợi.

Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tìm thấy 5/17 người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.

Trước đó, sau thời gian nỗ lực thì vào chiều tối 23-10, đường 71 vào Rào Trăng 3 đã thông tuyến. Tuy nhiên, hiện trường tìm kiếm rộng, địa hình hiểm trở, mưa xuống sẽ tiếp tục có nguy cơ cao gây sạt lở.

NGUYỄN DO

Ngân hàng hỗ trợ dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Lâm Đồng khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ theo quy định.

Lãnh đạo các tổ chức tín dụng vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị hỗ trợ, chia sẻ khó khăn; tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các gia đình có thiệt hại về người, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số...

PV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm