Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự liên kết trong nước và quốc tế để phát triển hệ sinh thái xe điện. Cụ thể là từ việc nghiên cứu, sản xuất pin, chuỗi cung ứng phụ tùng, trạm sạc, dịch vụ thuê, đổi pin cũng như phát triển hạ tầng công nghệ cho xe này.
TS BÙI THANH LUÂN, chuyên gia công nghệ tự động hóa, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát:
Bắt đầu từ xe buýt xanh, taxi xanh
Với tình trạng ô nhiễm khói bụi tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì việc đẩy mạnh sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh như xe điện là xu thế tất yếu. Việt Nam cần phát triển từng bước, có chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng điện như xe buýt, taxi, dịch vụ xe công nghệ… Tôi thấy các hãng xe điện trong nước đang bắt đầu lộ trình đúng hướng khi đẩy mạnh xe điện taxi, xe buýt để tạo được thói quen, trải nghiệm về xe điện cho người dân.
Bên cạnh đó, việc bắt đầu từ phương tiện giao thông công cộng giúp xe xanh giải quyết từng bước một về hạ tầng trạm sạc. Như ở Hàn Quốc, họ cũng phát triển xe điện ban đầu là hệ thống xe buýt, tại các trạm xe buýt sẽ có các trạm sạc pin, khi pin gần hết khi đi xe tại đến trạm, tài xế chỉ cần tháo pin ra gắn vào trạm sạc, lấy pin đã sạc đầy gắn vào chạy tiếp.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách về thuế, phí tốt cho xe hybrid, xe tiết kiệm nhiên liệu… khuyến khích người dân lựa chọn xe điện. Đây cũng là bước đệm cho thị trường xe điện phát triển.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:
Cần tiêu chuẩn chung về hạ tầng trạm sạc xe điện
Nếu làm bài toán lâu dài thì cần có nhiều sự kết nối, phối hợp với nhiều ngành nghề để phát triển hệ thống xe điện trên cả nước. Ví dụ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các công ty xe điện để tính toán lượng kWh sạc cho bao nhiêu chiếc xe điện đến năm 2030, xây dựng bao nhiêu trạm sạc và ở khu vực nào là hợp lý với dân cư ở đó. Cải tạo lưới điện để đảm bảo không gây cháy nổ, quá tải điện.
Bên cạnh đó là sự kết nối giữa các hãng. Ví dụ các trạm sạc của VinFast có thể sạc được cho cả xe Tesla, Hyundai, BMW chứ không thể mỗi hãng xe mỗi trạm riêng sẽ gây lộn xộn và không tận dụng được nguồn lực.
Ông NGUYỄN MINH ĐỒNG, chuyên gia ô tô:
Trợ giá để khuyến khích người dân mua xe điện
Giá bán ô tô điện hiện nay đang cao do chi phí sản xuất pin lớn. Tuy nhiên, khi công nghệ pin phát triển, chi phí sản xuất pin giảm sẽ giúp giá bán xe điện giảm. Tại Trung Quốc, Thái Lan, chính phủ các nước này hỗ trợ trực tiếp cho nhà sản xuất và người tiêu dùng mua ô tô điện, như nhà sản xuất xe điện, pin xe điện được trợ cấp, hỗ trợ xây trạm sạc… Người dân mua xe điện ngoài được trợ giá xe thì còn được ưu đãi phí làm biển số, miễn phí khi đi cao tốc hay đẩy nhanh thời gian đăng ký xe…
Vì thế, để đẩy mạnh phát triển xe điện tại Việt Nam thì phải khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Các trạm sạc điện được chính phủ hỗ trợ đã làm giảm phí đối với người sử dụng xe điện. Tiêu chuẩn về sạc xe điện cũng thống nhất với các hãng sản xuất.
Đi đôi với chính sách kích cầu xe điện thì cũng cần có những quy định hạn chế đối với xe chạy bằng xăng dầu hoặc áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao khi di chuyển trong trung tâm TP. Đồng thời có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư - đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ - cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn.
Ông HOÀNG MẠNH TÂN, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà (sản xuất xe máy điện EVGO):
Hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới
Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM cho phép HĐND TP ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch cũng như lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch.
Vì vậy, Tập đoàn Sơn Hà đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để kết hợp chương trình đổi xe máy cũ lấy xe điện mới với giá ưu đãi và đang chờ phản hồi. Riêng tại Hải Phòng, chương trình này cũng đã được các đơn vị, sở, ngành của TP này hưởng ứng nhiệt tình và sẽ triển khai trong thời gian tới.•
Thái Lan, Indonesia cũng đang tăng tốc
Bộ Công nghiệp Indonesia đặt mục tiêu đạt sản lượng xe điện 1 triệu xe mỗi năm vào năm 2035, việc này sẽ giúp giảm tiêu thụ 12,5 triệu thùng dầu.
Nhằm tăng cường sử dụng xe điện, chính phủ Indonesia đã ban hành các chính sách ưu đãi mua mới và chuyển đổi xe máy điện, được chính thức áp dụng từ tháng 3-2023. Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ mua mới 200.000 xe máy điện và chuyển đổi 50.000 xe máy chạy nhiên liệu thông thường sang chạy điện trong năm nay. Mức hỗ trợ cho mỗi đầu xe là 7 triệu rupiah (457 USD).
Tương tự, Thái Lan từ đầu năm 2022 đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ xe điện gồm giảm thuế, tăng trợ cấp (tối đa 150.000 baht, tương đương xấp xỉ 100 triệu đồng xe) cho cả người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất. Cơ quan điện lực Thái Lan và các công ty sản xuất xe điện ký kết hợp tác xây dựng hệ sinh thái xe điện như nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới liên quan tới dịch vụ và trạm sạc phục vụ xe điện.