Phó thủ tướng Lê Minh Khái: 'Lập Quy hoạch đã khó, triển khai còn khó hơn, phải rất khẩn trương'

(PLO)- Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc xây dựng, lập Quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn, đòi hỏi phải rất khẩn trương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-10, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chúc mừng và biểu dương tỉnh Sóc Trăng là hai trong 13 địa phương vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp tỉnh. Đây là định hướng tiền đề để Sóc Trăng hiện thực hóa khát vọng phát triển của địa phương.

soc-trang-cong-bo-quy-hoach-12.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Việc xây dựng, lập Quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn, đòi hỏi phải rất khẩn trương". Ảnh: ANH KIM

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng lưu ý để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Sóc Trăng đặt ra là “Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của ĐBSCL”, Sóc Trăng phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc xây dựng, lập Quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn, đòi hỏi phải rất khẩn trương.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Sóc Trăng tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương, nhất là Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là đột phá trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đồng thời, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh tại địa phương.

soc-trang-cong-bo-quy-hoach-13.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Trung ương đến dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHÂU ANH

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Sóc Trăng phải huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

“Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân. Tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Sóc Trăng khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cạnh đó, chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

3 đột phá phát triển

Theo bản Quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 là một trong những tỉnh phát triển khá của ĐBSCL; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Cạnh đó, hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Ngoài ra, hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

soc-trang-cong-bo-quy-hoach-10.jpg
Ông Nguyễn Chí Dũng (bìa phải), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: CHÂU ANH

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng phấn đấu trở thành khu vực phát triển động lực của ĐBSCL, gắn với phát triển cảng biển Trần Đề. Phấn đấu là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong bản Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng đã đề ra một số đột phá.

Đó là huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có tính chiến lược, lan tỏa. Trọng tâm là hạ tầng giao thông, gồm đường cao tốc, tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam, cảng biển... và các hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đối số.

Đột phá thứ hai là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đối số đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đột phá thứ ba là phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành tiềm năng để tạo bước đột phá phát triển, như: năng lượng, du lịch, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ, chuyển đối số và ngành nông nghiệp, thủy sản, chế biến thủy sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm