Sáng 9-10, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến dự có ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Phấn đấu là khu vực phát triển động lực của ĐBSCL
Theo bản Quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của ĐBSCL; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Cạnh đó, hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Ngoài ra, hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kinh tế, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỉ đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng phấn đấu trở thành khu vực phát triển động lực của ĐBSCL, gắn với phát triển cảng biển Trần Đề. Phấn đấu là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tổ chức 2 hành lang kinh tế và 4 vùng kinh tế - xã hội
Cũng theo bản Quy hoạch, thời gian tới Sóc Trăng sẽ tổ chức hai hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.
Theo đó, hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến TP.HCM - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quốc lộ 1) sẽ đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa liên tỉnh. Tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quản Lộ Phụng Hiệp) và tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng (Quốc lộ 91B) sẽ là tuyến thu gom nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho cảng biển Trần Đề. Tuyến Sóc Trăng - Bạc Liêu kết nối tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Bạc Liêu thông qua tuyến đường bộ ven biển. Quốc lộ 60 kết nối thị xã Ngã Năm, TP Sóc Trăng với các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) và tỉnh Trà Vinh.
Còn hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây ĐBSCL và Campuchia. Đường tỉnh 937B kết nối thị xã Ngã Năm - huyện Thạnh Trị - huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Đường tỉnh 934B sẽ là một trong những trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối TP Sóc Trăng với huyện Trần Đề.
Cạnh đó, Sóc Trăng sẽ tổ chức bốn vùng kinh tế - xã hội là vùng ven biển, vùng ven sông Hậu, vùng nội địa, vùng Cù Lao Dung.
Trong đó, vùng ven biển là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của TP Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.
Vùng ven sông Hậu là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú; phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Vùng nội địa là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên; phát triển kinh tế theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Vùng này được xem là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Vùng Cù Lao Dung là vùng chỉ có huyện Cù Lao Dung; định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của người dân trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3%/năm. Trong đó, giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3-4%/năm.