Hậu Giang: Án về tín dụng ngân hàng chỉ thi hành được 113 việc

(PLO)- Khi thực hiện thẩm định tài sản để cho vay chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản nên khi xử lý tài sản thế chấp phải xác minh đo vẽ lại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-12, báo cáo tại kỳ họp thứ 18 (kỳ họp cuối năm) HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, cho biết trong năm qua, kết quả thi hành án về việc, về tiền đạt và vượt chỉ tiêu được Tổng cục giao.

Thi hành án tín dụng ngân hàng ở Hậu Giang đạt thấp
Năm 2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Tổng cục giao cả về việc, về tiền. Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, năm qua tổng số việc giải quyết là 12.985 việc, trong đó có 9.802 việc có điều kiện thi hành và đã thi hành xong 8.229 việc, đạt tỉ lệ 83,95%. Về tiền, năm 2023, tổng số tiền phải thi hành hơn 2.333 tỉ đồng, trong đó có gần 482 tỉ đồng có điều kiện thi hành và đã thi hành xong gần 247 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 51,24%.

Tuy nhiên, kết quả thi hành án đối với một số vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng đạt thấp. Năm qua, tổng số vụ việc có điều kiện thi hành là 440 việc, đã thi hành xong 113 việc với số tiền hơn 63,4 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 25,68%.

Nguyên nhân kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng đạt thấp là do một số tổ chức tín dụng, ngân hàng khi thực hiện thẩm định tài sản để cho vay chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Từ đó dẫn đến khi có bản án, quyết định của tòa án tuyên kê biên, xử lý tài sản thế chấp, phải tiến hành xác minh đo vẽ lại.

Từ đó, có tình trạng tài sản không đúng với giấy chứng nhận đã cấp, nhất là quyền sử dụng đất. Có trường hợp diện tích lớn hơn, có trường hợp diện tích nhỏ hơn, xây dựng mới, tài sản do người khác quản lý, sử dụng trước khi cho vay... Từ đó việc xử lý tài sản đảm bảo phải xác minh, xử lý việc thi hành án kéo dài.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng, ngân hàng cho cá nhân vay theo hình thức tín chấp, số tiền cho vay nhỏ (dưới 50 triệu), hình thức trả là trừ lương hoặc trả dần mỗi tháng theo thu nhập. Đến lúc làm ăn khó khăn, vỡ nợ hoặc nghỉ việc, bỏ địa phương, thực trạng này dẫn đến không có khả năng thi hành án.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hậu Giang cũng nhìn nhận một số hạn chế. Cụ thể, trong thi hành án vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tính chất ngày càng gay gắt và phức tạp và mới phát sinh, như: khiếu nại việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá... Cạnh đó, một số vụ việc có nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Năm 2023, về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tổng số phải thi hành là bốn vụ việc, với số tiền hơn 3,2 tỉ đồng. Đã thi hành xong hai việc với số tiền gần 636 triệu đồng, chuyển kỳ sau hai việc, với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.

Đối với tình hình giải quyết các án trọng điểm, năm qua trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có hai vụ việc phải thi hành với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Đã tiến hành kê biên một việc, chấp hành viên đang tiến hành các thủ tục để thực hiện việc thẩm định giá, bán đấu giá theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm