Nước Nga năm 2015:

Putin quyết lấy lại vị thế

Cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra ngày 17-12 đã thu hút gần 1.400 nhà báo trong nước và quốc tế. Con số ấy phần nào phản ánh mối quan tâm vô cùng lớn của báo giới đối với tình hình nước Nga và những quyết định của nhà lãnh đạo 63 tuổi này. Sự quan tâm này là hiển nhiên, đặc biệt khi nước Nga của ông Putin đã trải qua một năm 2015 đầy biến động.

Một năm đầy biến động

Nền kinh tế nước Nga đã phải căng mình chống chọi với một năm 2015 đầy sóng gió. Giữa lúc giá dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan và các nước phương Tây vẫn liên tục đòi gia hạn trừng phạt nhằm vào Nga, nhiều người vẫn băn khoăn về khả năng trụ vững của nền kinh tế Nga. Dù vậy, giới lãnh đạo Nga vẫn đủ tự tin kiểm soát được tình hình. Trước báo giới, ông Putin thừa nhận tổng thu nhập quốc nội của Nga đã giảm 3,7% và tốc độ tăng trưởng thấp, thế nhưng nhà lãnh đạo này khẳng định nền kinh tế Nga đã vượt qua vũng lầy của thời kỳ khủng hoảng, thậm chí còn có những điểm sáng để phát triển.

Không chỉ vậy, bằng những quyết sách cứng rắn của mình, Tổng thống Putin đã đưa nước Nga quay lại vị trí trung tâm trên bàn cờ chính trị quốc tế sau một thời gian bị các nước phương Tây cô lập. Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận. Nước Nga giờ đây không chỉ là nhân tố quan trọng trong các vấn đề liên quan đến Ukraine mà còn trở thành quốc gia không thể thiếu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông.

Sau bảy năm, lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tại Georgia và Nam Ossetia, thế giới chứng kiến nước Nga của Putin triển khai quân đội tham chiến tại nước ngoài. Phương Tây choáng ngợp trước những máy bay ném bom, tàu khu trục, tàu ngầm và các vũ khí tiên tiến của Nga liên tục tiêu diệt các cứ điểm khủng bố ở Syria. Trong chuyến viếng thăm Moscow ngày 15-12 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã lên tiếng ca ngợi những “nỗ lực hợp tác” của Nga và những gì hai bên đã đạt được trong tiến trình hòa bình tại Syria. Ông khẳng định: “Cùng nhau, Mỹ và Nga có đủ khả năng để tạo nên những thay đổi to lớn tại đây”.

Cuối năm 2015, nước Nga vẫn tiếp tục là tâm điểm trên chính trường quốc tế. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga tại Trung Đông đã dấy lên những cuộc tranh cãi rầm rộ. Điện Kremlin đã kịch liệt lên án và đáp trả cứng rắn trước hành động của chính quyền Ankara và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trong cuộc họp báo ngày 17-12, ông Putin đã khẳng định: “Sau những gì đã qua, rất khó, hay gần như là bất khả thi, để chúng tôi có thể đồng ý với chính quyền hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ...”. Ông Putin cũng một lần nữa nhấn mạnh hành động Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 là một hành động mang tính “thù địch” và việc Ankara phàn nàn với NATO thay vì phối hợp với Nga là “đáng phẫn nộ”. “Họ đã tự đặt mình vào tình huống ngặt nghèo. Bất kỳ mục đích gì phía Thổ đặt ra cho động thái này cũng đều đã thất bại”.

Trước gần 1.400 nhà báo, Tổng thống Nga Putin đã trả lời những câu hỏi hóc búa về nước Nga năm 2015 và những toan tính sắp tới của Điện Kremlin. Ảnh: RIA

Trái với sự lạnh nhạt đầu năm 2015, chuyến viếng thăm Moscow ngày 15-12 của ngoại trưởng Mỹ (trái) mở ra triển vọng cho tương lai Nga-Mỹ. Ảnh: REUTERS

Kỳ vọng cao cho tương lai

Dẫu ông Putin khẳng định đã vượt qua thời kỳ tăm tối nhất, nền kinh tế Nga vẫn phải trông chờ vào sự khởi sắc của giá dầu. Tuy vậy, như đã khẳng định trong bản thông điệp liên bang của mình, nước Nga của ông Putin không dễ gì bị đánh bại. Ông nói với người dân của mình rằng: “Nga sẽ ứng phó với tất cả thách thức đó, hành động một cách sáng tạo, có hiệu quả và cần mẫn vì lợi ích quốc gia” và rằng “khi mọi người cùng nhau tiến về phía trước thì nhất định mọi sự sẽ thành công”.

Chính sự tin tưởng của người dân là bàn đạp để ông Putin vươn ra thế giới. Với vị thế ngày càng quan trọng trong hầu hết các vấn đề nóng toàn cầu, mỗi chính sách của Điện Kremlin đều có thể tác động tới nước khác và quốc tế. Trước gần 1.400 nhà báo, ông Putin tuyên bố sẵn sàng hợp tác với bất cứ ai được người dân Mỹ bầu làm tổng thống trong nhiệm kỳ tới, đồng thời khẳng định Nga-Mỹ sẽ hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế. Khi mà chủ nghĩa khủng bố trở thành vấn đề nan giải của thế giới, một quốc gia dù có hùng mạnh đến đâu cũng không thể nào tự giải quyết được, sự góp mặt của Nga lại càng cần thiết. Sự trỗi dậy của IS, sự phức tạp của chủ nghĩa khủng bố đã phần nào kéo Nga lại gần Mỹ cũng như các nước châu Âu. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các mối quan hệ này.

Đến cả vấn đề nan giải như cuộc khủng hoảng ở Syria, ông cũng nói rằng giải pháp trong tương lai mà Nga đưa ra rất trùng khớp với đề xuất của phía Mỹ về những khía cạnh cốt lõi. Ông nói: “Nhìn chung chúng tôi ủng hộ sáng kiến của Mỹ, bao gồm việc chuẩn bị cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria. Chúng tôi hài lòng với nghị quyết đó”. Tuy vậy, ông Putin vẫn bảo vệ lập trường không để bất cứ bên thứ ba can dự và quyết định vận mệnh của Syria thay cho người dân nước này. Tuyên bố này không chỉ làm dịu quan hệ Nga-Mỹ mà còn mở ra hy vọng mới để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài suốt gần năm năm ở Syria. Chính Mỹ trước đó cũng mở lời rằng không còn đặt nặng chuyện Tổng thống Assad đi hay ở, vốn là bất đồng lớn nhất giữa Nga và Mỹ về Syria. Với những câu hỏi về ý định của Nga, ông Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục tiến hành không kích trên lãnh thổ Syria và hỗ trợ quân đội Syria miễn là Syria còn tiếp tục chiến đấu. Tổng thống Putin cũng đề cập đến việc duy trì một căn cứ tạm thời chứ không cần thiết phải “bám rễ” ở Syria.

Liên quan đến tương lai mối quan hệ với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin vẫn tỏ ra rất cứng rắn. Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24, nhà lãnh đạo Nga vẫn tuyên bố trước báo giới một cách cương quyết: “Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có triển vọng nào để tái thiết quan hệ cấp cao nhất giữa hai bên”. Trong khi đó, với người láng giềng sát vách, sau khi ký sắc lệnh ngừng Hiệp định Thương mại tự do giữa Nga và Ukraine hôm 16-12, ông Putin nói rằng Nga đã đấu tranh để duy trì quan hệ kinh tế với Ukraine nhưng chính quyền Kiev đã đơn phương rút ra khỏi hệ thống khu vực thương mại tự do CIS. Chính vì thế từ đầu năm 2016, Ukraine sẽ không còn được hưởng bất kỳ ưu đãi nào trên thị trường Nga. Tuy vậy, ông Putin khẳng định Nga không có ý định trừng phạt Ukraine.

Một năm nhiều thành tựu

Sau 15 năm dài nắm quyền, Vladimir Putin vẫn là một nhân vật khiến cả thế giới phải dõi mắt nhìn theo và là niềm tự hào của người dân Nga. Năm 2015, cá nhân nhà lãnh đạo 63 tuổi này cũng thu được không ít thành công. Ở trong nước, dù tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những khó khăn nhưng gần 90% người dân Nga vẫn ủng hộ ông Putin, mức tín nhiệm mà hiếm có vị nguyên thủ nào trên thế giới có được.

Bước ra ngoài thế giới, Tổng thống Nga là người được báo giới hết mực quan tâm và săn đón, từ những màn dạo chơi trên sân khúc côn cầu cho đến những lần thét ra lửa của ông. Tạp chí Forbes uy tín của Mỹ không ngần ngại xướng tên ông Putin là người quyền lực nhất thế giới trong năm 2015. Forbes đánh giá: “Ông Putin là một trong số ít người trên thế giới có đủ quyền lực để làm những điều ông muốn”. Không chỉ vậy, với những quyết định táo bạo và mạnh mẽ của mình, nhà lãnh đạo Nga còn được tạp chí Foreign Policy bầu chọn là một trong 100 nhà tư tưởng lớn của thế giới tại hạng mục những người ra quyết định hàng đầu.

Người đàn ông tự nhận mình là “chú chim bồ câu có đôi cánh thép” này cũng đưa nước Nga trở lại vị trí trung tâm trên bàn cờ chính trị quốc tế, để các nước trên thế giới phải nhắc tên Nga trong hầu hết các vấn đề nóng hổi. Thậm chí nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin còn được đánh giá là vượt mặt cường quốc Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới