Qatar - Không quân yếu nhất thế giới nhưng sở hữu loạt tiêm kích đình đám

Các hợp đồng về máy bay chiến đấu trên toàn cầu thường chứng kiến sự cạnh tranh giữa tiêm kích tàng hình F-35 (Mỹ) với Rafale (Pháp), Eurofighter Typhoons (châu Âu), F-15EX (Mỹ) và nhiều loại khác. Việc sở hữu bất kỳ loại tiêm kích nào trong số những loại kể trên cũng đủ để khiến cho lực lượng không quân trở nên hùng mạnh, song nếu có nước nào đó sở hữu đủ bốn tiêm kích đó thì sao?

Theo trang tin The EurAsian Times, trong bối cảnh căng thẳng khu vực dâng cao, Qatar- một quốc gia Trung Đông đang dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa hàng loạt để thay thế phi đội Mirage 2000 già cỗi. Hàng tỉ đô la đã được đầu tư nhằm mua 96 máy bay siêu hiện đại.

Mỹ, Anh và Pháp là những nước nhận hợp đồng chính. Qatar, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới hiện đang quan tâm tới việc mua tiêm kích F-35 từ Mỹ sau khi ký thỏa thuận mua Rafale, Eurofighter Typhoons, Boeing F-15EX.

Thỏa thuận mua Rafale của Qatar

Trong nỗ lực thay thế phi đội 12 tiêm kích Mirage 2000 già cỗi, Qatar đã khởi động chương trình hiện đại hóa không quân nước này vào năm 2015.

Tiêm kích Rafale của Qatar. Ảnh: TWITTER

Qatar đã ký hợp đồng trị giá 6 tỉ USD với công ty Dassault Aviation của Pháp để mua 24 tiêm kích đa nhiệm Rafale. Qatar đặt mua thêm 12 chiếc Rafale năm 2018, nâng tổng số tiêm kích này lên 36. Ngoài ra, Qatar còn tính mua thêm 36 chiếc Rafale nữa.

Rafale là máy bay chiến đấu hai động cơ có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, được thiết kế cho Không quân và Hải quân Pháp. Rafale được thiết kế để tiến hành vô số nhiệm vụ tầm ngắn và tầm xa, bao gồm tấn công mặt đất và trên biển, trinh sát, tấn công chính xác cũng như răn đe hạt nhân.

Rafale đã được thử nghiệm trên chiến trường và được triển khai tới các vùng chiến sự Afghanistan, Mali, Libya, Syria và Iraq.

Nguyên mẫu Rafale được chế tạo thành công vào tháng 7-1986, thực hiện chuyến bay đầu tiên trong cùng tháng này. Tiêm kích Pháp được trang bị để mang theo một loạt đạn dược thông minh tùy theo nhiệm vụ. Một số loại vũ khí hiện đại mà Rafale mang theo là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn MICA, METEOR, bom-tên lửa HAMMER, tên lửa hành trình SCALP, tên lửa diệt hạm AM39 EXOCET.

Tiêm kích Rafale có thể triển khai bom dẫn đường bằng laser, bom thông thường. Các loại vũ khí dành riêng cho khách hàng cũng có sẵn để Qatar lựa chọn.

Tính đến năm 2020, Qatar đã nhận 15 tiêm kích Rafale. Phi đội Rafale đầu tiên đóng tại căn cứ không quân Tamim ở Dukhan.

Hợp đồng F-15QA của Qatar

Năm 2017, Qatar ký hợp đồng trị giá 12 tỉ USD với tập đoàn Boeing của Mỹ để mua 36 máy bay chiến đấu F-15QA, được thiết kế riêng theo yêu cầu hoạt động của Không quân Qatar. Boeing gần đây đã bàn giao lô F-15QA đầu tiên cho Qatar.

Mặc dù F-15QA có khung máy bay cũ nhưng nó vẫn được coi là máy bay hàng đầu. Phiên bản F-15QA dành riêng cho Qatar được trang bị cảm biến nâng cấp và sức chứa vũ khí gia tăng, được cho là có khả năng tấn công mặt đất tầm xa vượt trội, làm tăng thêm khả năng sát thương.

Lô tiêm kích F-15QA đầu tiên mà Qatar nhận hồi tháng 8. Ảnh TWITTER

Theo tạp chí quân sự Janes, F-15QA sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không tầm ngắn Raytheon AIM-9X Sidewinder, tên lửa không đối không tầm trung hiện đại Raytheon AIM-120, tên lửa diệt hạm AGM-84A Harpoon và bom dẫn đường chính xác GBU-31 Joint Direct Attack Munition (JDAM).

Gần đây, Boeing đã bàn giao lô F-15QA đầu tiên cho Qatar. F-15QA được cho là phiên bản hiện đại nhất của loại máy bay chiến đấu này. F-15QA dựa trên F-15SA đang được sản xuất cho Saudi Arabia và có cùng hệ thống kiểm soát chuyến bay điện tử.

Thỏa thuận Eurofighter Typhoon

Qatar có lẽ là lực lượng không quân duy nhất trên thế giới sẽ sớm có tiêm kích Rafale và Eurofighter Typhoon trong phi đội của mình.

Năm 2017, Qatar ký hợp đồng trị giá 6 tỉ USD với Anh mua 24 tiêm kích Eurofighter Typhoon. Eurofighter Typhoon là nỗ lực chung của Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Eurofighter Typhoon có khả năng tấn công mặt đất lẫn khả năng bay hành trình siêu âm. Khả năng này cho phép Eurofighter Typhoon duy trì tốc độ 1.225 km/giờ mà không cần bật buồng đốt hậu vốn gây hao phí nhiều nhiên liệu.

Eurofighter Typhoon được trang bị hai động cơ Eurojet EJ-200 được phát triển ở TP Munich (Đức). Máy bay sở hữu hệ thông điện tử hàng không hiện đại cùng một loạt tính năng buồng lái thân thiện với phi công. Eurofighter Typhoon được trang bị một hệ thống súng ổ quay Mauser BK27mm gắn bên trong, có 13 điểm treo để mang vũ khí.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon. Ảnh: The EurAsian Times

Eurofighter Typhoon có thể mang một loạt tên lửa tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ, bao gồm sáu tên lửa không đối không BVRAAM/AMRAAM, hai tên lửa không đối không tầm ngắn ASRAAM cho vai trò chiếm ưu thế trên không. Máy bay này có thể mang bốn tên lửa AMRAAM, hai tên lửa ASRAAM, hai tên lửa hành trình và hai tên lửa chống radar cho các nhiệm vụ can thiệp/hỗ trợ trên không. Đối với nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng thủ đối phương, Eurofighter Typhoon mang tới bốn tên lửa AMRAAM, hai tên lửa ASRAAM, sáu tên lửa chống radar.

Trong các nhiệm vụ đa năng, Eurofighter Typhoon có thể mang ba tên lửa AMRAAM, hai tên lửa ASRAAM, hai tên lửa chống radar và hai quả bom dẫn đường laser GBU-24 Paveway III/IV. Đối với các hoạt động tấn công hàng hải, Eurofighter Typhoon có thể mang bốn tên lửa AMRAAM, hai tên lửa ASRAAM và sáu tên lửa diệt hạm.

Chiếc Eurofighter Typhoon đầu tiên dự kiến đến Không quân Qatar vào năm 2022.

Tiếp theo là F-35 Mỹ?

Năm ngoái, Qatar gửi yêu cầu chính thức tới Mỹ về việc mua tiêm kích tàng hình F-35. Yêu cầu được đưa ra sau thỏa thuận ký giữa Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hồi tháng 8-2020, trong đó Mỹ đồng ý xem xét cho phép quốc gia vùng Vịnh mua F-35.

Hợp đồng mua bán F-35 tiềm năng với Qatar hoặc UAE, được dựa trên thỏa thuận hàng thập niên giữa Mỹ với Israel rằng bất kỳ vũ khí nào của Mỹ được bán cho các quốc gia Trung Đông đều không được ảnh hưởng tới lợi thế quân sự của Israel trong khu vực.

Trong khi Mỹ, Anh và Pháp cam kết huấn luyện phi công Qatar và xử ký các thách thức hậu cần, song việc tích hợp hiệu quả các hệ thống hàng không phức tạp không hề đơn giản và có thể gặp nhiều khó khăn hơn dự đoán.

Tiêm kích F-35 của Không quân Mỹ. Ảnh: TWITTER

Hơn nữa, việc có nhiều loại máy bay chiến đấu từ nhiều quốc gia khác nhau có thể là con dao hai lưỡi và có thể dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng.

Doha không chỉ đối mặt vấn đề hậu cần mà còn vấn đề nhân sự khi nước này chỉ có 2,78 triệu dân. Việc Qatar chú trọng tới các thách thức an ninh nội bộ đã dẫn đến việc bỏ qua các mối đe dọa quân sự bên ngoài.

Những yếu tố này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả của kho vũ khí của Qatar. Một số người gọi Không quân Qatar là lực lượng không quân yếu nhất thế giới bất chấp nước này chi hàng tỉ đô la mua tiêm kích hiện đại. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng Qatar vẫn chưa được kiểm tra về mặt quân sự trong chiến đấu nên vẫn chưa kết luận được điều gì.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới