Nhiều Facebooker cho rằng bức ảnh cho thấy các thuộc cấp vẫn đến nhà lãnh đạo tặng quà cáp ngày tết, dù đã có chỉ lệnh của Thủ tướng, cũng như nhiều bộ ngành, mặc dù trong bức ảnh không ghi rõ ai chụp, chụp ai, chụp ở đâu và mấy nhân vật này thực sự đang làm gì nhưng người ta vẫn cứ phán như thế.
Nhưng sự vô lý này cũng cho thấy phản ứng của xã hội trước chuyện hối lộ bằng quà tết. Phản ứng đó mạnh đến độ hễ cứ thấy xách giỏ, xách bịch; cứ thấy đứng trước nhà; cứ thấy cúi xuống thì người ta mặc định ngay đó là cấp dưới đến tặng quà nhà quan mà không cần phải tìm hiểu, không cần phải xác minh sự thật là như thế nào.
Thật ra việc thăm tặng nhau ngày tết đâu có tội tình gì. Nếu nó không phủ cái màu hối lộ, chạy chọt để thăng quan tiến chức, để lót cái này, để đoạt cái kia thì nó vốn là một truyền thống rất đáng trân quý. Tôi tin rằng dù có nhiều biến tướng, phủ màu gì đi chăng nữa thì trong xã hội vẫn còn những tình cảm tốt đẹp trong chuyện đến thăm nhau, tặng cho nhau món quà dịp tết đến.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, chia sẻ: “Có lẽ hiện nay khoảng 30% quà tặng, quà biếu vẫn giữ được nét truyền thống của nó, tức là thể hiện tình cảm, sự biết ơn. Bằng chứng là nhiều người không có chức quyền, đặc biệt là những người không còn chức quyền nữa, họ là những người tốt, đạo đức, tử tế, họ đã về hưu hoặc đã chuyển cơ quan khác, không còn vai trò quyết định sinh mệnh chính trị của người này, người khác nhưng người ta vẫn giữ được tình cảm sâu nặng”.
Liệu bức ảnh trên có thuộc trong 30% mà ông Vũ Mão nói? Liệu chúng ta có giết chết một ân tình bằng sự vội vàng phán xét của mình? Tất nhiên, để biết được điều đó, không có cách nào khác là chúng ta phải biết những thông tin thật về bức ảnh đó. Rất tiếc điều đó đã không được minh định một cách cụ thể. Và không ít người vẫn cứ bình, giễu một cách vô trách nhiệm khi không đứng trên một sự thật thông tin nào hết.
Cách đây không lâu, một Facebooker đã bị xử lý và phải đính chính, xin lỗi trên trang cá nhân của mình khi mang một hình ảnh đâu đâu trên mạng và ấn luôn đó là hình ảnh của một trong các nữ giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh bị điều đi tiếp khách và bị sàm sỡ. Facebooker này còn nói đó là những tên “dâm quan”. Ngay lập tức hình ảnh đã gây dậy sóng trên mạng xã hội. “Gạch đá” đã ném về ngành giáo dục địa phương này tơi tả.
Chưa bao giờ sự thật và trách nhiệm cần được đặt lên cao hơn như lúc này, khi mà sự thiếu vắng niềm tin trong xã hội đang trở nên “thịnh hành” hơn, chiếm ưu thế hơn! Bởi lẽ chỉ có điều đó mới giúp chúng ta tỉnh táo và không bị lôi kéo vào những cơn cuồng phong ảo.
Câu chuyện đó xin dành cho các nhà quản trị xã hội suy nghĩ nhân dịp tết đến, xuân về!