Theo thông tin từ nghệ sĩ Công Minh (đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ), nghệ sĩ Tùng Lâm, danh hài cuối cùng của Tứ quái Sài Gòn, của Năm vua hề về làng đã qua đời ở tuổi 90 vào lúc 5 giờ sáng ngày 15-10 tại nhà riêng Bình Thạnh, TP.HCM.
Danh hài Tùng Lâm sinh năm 1934 tại TP.HCM, tên thật là Lâm Ngươn Phẩm, đến năm 1952 mới lấy nghệ danh Tùng Lâm.
Danh hài Tùng Lâm là người có tài năng ca hát thiên bẩm. Ông tham gia ca hát từ rất sớm và giành nhiều giải cao trong các cuộc thi âm nhạc.
Khi bước chân vào nghề, ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc, từng cùng nhạc sĩ Lam Phương và diễn viên Vân Hùng lập nhóm hát 3 người biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ.
Nhóm nổi tiếng với loạt ca khúc như Nhạc rừng khuya (Lam Phương), Ô mê ly (Văn Phụng), Đoàn lữ nhạc (Đỗ Nhuận), Ngựa phi đường xa (Lê Yên), Khúc nhạc dưới trăng (Dương Thiệu Tước), Thiên thai (Văn Cao)...
Sau khi nhóm nhạc tan rã, danh hài Tùng Lâm dần chuyển hướng sang hài kịch. Nói về việc này, Tùng Lâm đến với kịch cũng rất tình cờ, trong một lần vở kịch Tàn cơn ác mộng, do thiếu người đóng vai người cùi, ông đã xung phong nhận diễn.
Vai diễn thành công bất ngờ ông được tham gia tiếp các vai trong các vở khác như Mua chút tình thương, Cây đàn bỏ quên,.. .
Thành công với các vai diễn trên sân khấu ông chuyển sang đóng hài. Những năm 1970, nam nghệ sĩ là một trong những danh hài nổi tiếng, đình đám nhất tại TP.HCM. Cùng với La Thoại Tân, Khả Năng và Thanh Việt, ông gây ấn tượng khi tham gia phim Tứ quái Sài Gòn.
Bộ phim hài gây tiếng vang thời điểm được phát hành. Tác phẩm được thêm phụ đề cũng như trình chiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghệ sĩ còn được mệnh danh là minh tinh quốc tế khi xuất hiện trên báo chí các nước châu Á, Pháp, Australia.
Ngoài ra, ông còn ghi dấu ấn với khán giả qua các vai hài trong phim như Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Năm vua hề về làng, Như hạt mưa sa, Con ma nhà họ Hứa,....
Danh hài Tùng Lâm là một trong những nghệ sĩ tạo được dấu ấn đến nỗi chỉ cần nghệ sĩ bước ra sân khấu cũng đủ để tiếng cười của những khán giả vang lên.
Vậy nên cái tên danh hài Tùng Lâm đến nay đã trở thành một lão làng trong nghề, ông từng được khán giả mệnh danh là "Minh tinh quái kiệt" hay "Tiểu quái kiệt" Tùng Lâm.
Dù diễn ở môi trường nào từ hài hay kịch hay cải lương hay phim truyện hễ cứ có mặt ông là các khán giả được cười nghiêng ngả, chính vì vậy cái tên Tùng Lâm quái kiệt gắn liền với từng bước đường ông đi cho tới bây giờ.
Trong sự nghiệp làm quái kiệt của mình danh hài Tùng Lâm đã giành được 4 huy chương Vàng trong các mùa hội diễn, liên hoan sân khấu hài.
Thời gian sau nghệ sĩ Tùng Lâm được mời làm nghệ sĩ lồng tiếng cho các bộ phim Nhật , Ấn Độ của các hãng phim Mĩ Phương, Mĩ Vân, Lido,...
Có giai đoạn, nghệ sĩ Tùng Lâm mở Ban tạp lục nơi biểu diễn nhiều thể loại như ca múa, kịch, nhạc, cải lương, ảo thuật. Ông làm chức vụ bầu sô đồng thời kiêm luôn làm người dẫn chương trình.
Trong một lần chơi bài thua dẫn đến nợ nần chồng chất, ngồi buồn ông đã tự nghêu ngao và sáng tác ra bài hát Xập xám chướng nhằm khuyên răn những người mê đánh bài hãy tránh ra thú vui nguy hiểm. Không ngờ sau đó bài hát của ông được hãng đĩa Sóng nhạc thu và phát hành, bán chạy khắp mọi miền.
Giai đoạn những năm 1980, nghệ sĩ Tùng Lâm dần chuyển sang đào tạo. Học trò của ông gồm nhiều nghệ sĩ gạo cội như Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Phụng, Trang Kim Yến, Giang Tử, Duy Phương, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai,...
Năm 1983, danh hài Tùng Lâm về làm Phó Đoàn văn công Hậu Giang, đến năm 1992 thì ông nghỉ hưu.
Từ năm 2005, do trải qua 4 lần đột quỵ, nghệ sĩ Tùng Lâm đành giã từ nghiệp diễn. Ông sống cùng người vợ kém 20 tại một căn nhà nhỏ quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Năm 2021, nhóm Ngũ long du ký gồm Phi Phụng, Phương Dung, Thụy Mười, Minh Dũng... tới thăm nhà 'Quái kiệt' Tùng Lâm.
Trong đoạn clip, "quái kiệt làng hài" đình đám một thời đã già yếu, đi lại khó khăn, lãng tai và hay lẫn. Ông chỉ có thể đi lại quanh quẩn trong nhà, hiếm khi ra ngoài. Ông nói bỏ lửng "Mỗi ngày 24 tiếng của tôi giờ chỉ còn..." rồi chỉ vào chiếc giường khiến ai nấy đều xúc động.
Sinh hoạt phí của ông hằng ngày không nhiều. Ông không đủ sức đi diễn nên không có thu nhập, phụ thuộc vào tiền con trai gửi mỗi tháng và các đồng nghiệp, học trò gửi tặng.