Sáng 21-3, Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học Hoà Bình về các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2022-2023.
Không thu quỹ ban đại diện CMHS trường
Tại buổi làm việc, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn thông báo và tổ chức họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm để thống nhất các khoản thu.
Ông Văn Lý Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Bình chia sẻ tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Hằng tháng, nhà trường gửi giấy báo tiền bán trú đến từng HS. Phụ huynh thanh toán tiền trong 10 ngày đầu của tháng, có thể thanh toán trực tiếp hoặc online.
Đặc biệt nhà trường không thu quỹ hội CMHS trường trong nhiều năm qua. Việc tài trợ của mạnh thường quân và phụ huynh được thực hiện theo kiểu "chìa khoá trao tay".
Theo bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, qua rà soát trên địa bàn có khoảng 50% các trường học không thu quỹ ban đại diện CMHS trường.
Không thu quỹ, trường lấy kinh phí hoạt động ở đâu?
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, đại biểu HĐND TP nêu băn khoăn: “Qua báo cáo, 50% trường học không thu quỹ CMHS trường và thực hiện Thông tư 16 chỉ là chìa khoá trao tay. Các trường sẽ lấy kinh phí ở đâu để khen thưởng cho HS và tổ chức các hoạt động. Vấn đề này cần phải xem xét và tính toán lại”.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, đại biểu HĐND TP phát biểu. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Theo ông Khoa, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55 về ban đại diện CMHS cũng như Thông tư 16 về tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống để các trường thực hiện có thêm kinh phí. Tuy nhiên, nếu các trường cẩn thận quá thì có khi tự làm khó mình.
“Phòng GD&ĐT quận 1 nên có ý kiến gửi Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT để có thể điều chỉnh một số nội dung nào đó trong Thông tư 55 để phù hợp hơn với thực tế. Ví dụ Thông tư 55 quy định chi khen thưởng HS và một số hoạt động của riêng Ban đại diện CMHS. Tuy nhiên, hiện nay trường cần phải có nhân viên tư vấn tâm lý để hỗ trợ hoạt động giáo dục. Trường học không có tiền chi cho nội dung này, có thể sử dụng xã hội hoá từ CMHS được không?” - ông Khoa nói thêm.
Cũng theo ông Khoa, trường không thu quỹ CMHS nhưng ban đại diện các lớp có thu quỹ. Vậy trường quán triệt Thông tư 55 này đến với giáo viên, CMHS ra sao? Nếu CMHS tự thu, nhà trường không kiểm soát, hướng dẫn sẽ có thể dẫn đến tình trạng lạm thu?
Mặt khác, qua báo cáo trường không thu tiền học buổi 2 đối với khối 1, 2, 3. Nhà trường hỗ trợ cho các giáo viên này ra sao?
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá - xã hội, HĐND TP đặt vấn đề chủ trương nhà trường không thu nhưng hội CMHS lớp lại thu, làm sao để quản lý?
Không thu cào bằng, có chính sách hỗ trợ HS nghèo
Học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình, quận 1 trong tiết học kỹ năng sống. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Hiệu trưởng nhà trường cho hay hàng năm nhà trường để các lớp chủ động trong việc thu quỹ ban đại diện CMHS. Trước khi thực hiện, ban đại diện CMHS lớp phải xây dựng kế hoạch, dự trù mức thu, mức chi, kể cả vấn đề đóng góp cho cơ sở vật chất của lớp và báo cáo ban đại diện CMHS tại các buổi họp phụ huynh.
Hơn nữa, nhà trường cũng có yêu cầu việc xây dựng kế hoạch vận động quỹ ban đại diện CMHS lớp không chia đều mà theo sự đóng góp tự nguyện, khi đó những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ không phải đóng.
“Trường có ban đại diện CMHS trường nhưng không trích lập quỹ hoạt động từ quỹ ban đại diện từ lớp. Bởi, các hoạt động của ban đại diện CMHS trường chỉ có những buổi hội họp, kinh phí có thể cân đối được” - ông Huệ nói thêm.
Liên quan đến việc quản lý tài sản được tài trợ, ông Huệ cho hay nhà trường không vận động tài trợ theo công trình, các lớp sẽ trang bị máy lạnh, máy chiếu, tủ để vật dụng. Phụ huynh sau khi trang bị xong sẽ làm phiếu bàn giao cho nhà trường, HS sẽ được sử dụng trong suốt thời gian học ở trường.
Về công tác xã hội hoá, trường mới chỉ thực hiện đối với các mạnh thường quân, chưa triển khai tới đông đảo phụ huynh.
Đối với học phí buổi 2, hiện nhà trường chỉ thu đối với khối 4, 5 vì khối 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày là bắt buộc. Do đó, khi chưa triển khai chương trình mới, mỗi GV có thêm từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng về thu nhập buổi 2. Khi triển khai chương trình mới, để tạo sự công bằng, trong hội nghị viên chức, trường vẫn thống nhất làm sao có sự cân đối hài hoà giữa các khối không thu và có thu. Do đó, GV lớp 1, 2, 3 được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, GV khối 4, 5 là 1,2 triệu đồng/tháng.
Trưởng phòng GD&ĐT quận 1 cũng chia sẻ thêm, tại quận 1, 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Việc thực hiện bán trú cũng trên tinh thần tự nguyện. Để đưa ra được mức thu, các trường phải lập dự toán thu chi từng khoản nộp lên phòng.
“Quận 1 có mức thu cao hơn các địa phương khác do sĩ số học sinh của quận 1 thấp, có một số trường thấp hơn so với quy định. Sĩ số bình quân của tiểu học 32 HS/lớp, THCS là 37 HS/lớp. Với sĩ số này, các trường phải tính toán làm sao để đủ chi trả cho các hoạt động” - bà Bình nói.
Tránh tình trạng lạm thu
Cha mẹ học sinh đều ủng hộ xã hội hoá giáo dục nhưng phải thu đúng, tránh tình trạng lạm thu. Thực tế, có những thiết bị được phụ huynh hỗ trợ rất hiện đại, vấn đề là sau khi con họ học xong liệu có còn được trường sử dụng cho thế hệ kế tiếp hay lại chuyển đến chỗ khác để vận động cái mới. Điều này chúng ta cũng cần phải xem xét sao cho thấu đáo.
Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng ban Văn hoá - xã hội, HĐND TP.HCM