Ngày 25-10, UBND quận 1, TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác thí điểm và công bố triển khai đăng ký, thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm kinh doanh, dịch vụ, mua, bán hàng hóa (cho thuê vỉa hè) trên địa bàn quận 1.
Bổ sung thêm 41 tuyến đường thu phí vỉa hè
Tháng 5-2024, UBND quận 1 đã tổ chức thí điểm thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm kinh doanh, dịch vụ, mua, bán hàng hóa đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện.
Tại 11 tuyến đường này, người dân sẽ thực hiện việc đăng ký sử dụng thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1”. Kết quả đã có 374 trường hợp đăng ký thuê vỉa hè để kinh doanh, tổng số phí thu được hơn 810 triệu đồng.
Sau đó, quận 1 tiếp tục triển khai cho thuê vỉa hè trên 41 tuyến đường. Đến nay, quận 1 đã triển khai thực hiện cho thuê vỉa hè tại 52 tuyến đường.
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1, yêu cầu UBND quận 1 tiếp tục kiểm tra, quản lý việc cho thuê vỉa hè tại 52 tuyến đường.
Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân tra cứu và đăng ký sử dụng hè phố theo đúng danh mục các tuyến đường, hè phố đã ban hành tại phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời tạm thời hè phố quận 1”.
"Quận 1 cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn đảm bảo công tác quản lý hè phố trên địa bàn quận được chặt chẽ, an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Phải có báo cáo định kỳ tháng, quý, năm để từ đó đánh giá tổng kết tình hình quản lý và sử dụng hè phố, các khó khăn, vướng mắc được giải quyết, chấn chỉnh kịp thời"- Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 chỉ đạo.
Mỹ quan khu vực trung tâm TP đã được thay đổi
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng Phòng quản lý đô thị quận 1 thông tin, việc thu phí sử dụng hè phố nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo lòng đường, hè phố, thực hiện bảo trì lòng đường, hè phố.
Cụ thể bao gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất, thực hiện theo các quy định hiện hành về bảo trì công trình xây dựng và các quy định khác có liên quan.
Theo ông Phát, việc quản lý và sử dụng một phần hè phố trên địa bàn quận thời gian qua đã được thực hiện nghiêm, đảm bảo hè phố tối thiểu 1.5m (không tính phần bó vỉa) dành cho người đi bộ và không lấn chiếm lòng đường.
Từ 1-1, TP.HCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần đảm bảo điều kiện rộng ít nhất 3m.
Trong đó có 1,5m dành cho người đi bộ. 10/11 tuyến đường mà quận 1 thí điểm cho thuê trong thời gian qua có mức giá thuê là 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt phường Cô Giang có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng).
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đánh giá, qua gần 5 tháng tổ chức thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm đăng ký kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 đã đạt được nhiều kết quả.
Cụ thể là trật tự đô thị, hè phố, mỹ quan khu vực trung tâm TP đã được sắp xếp và đi vào ổn định. Việc kẻ vạch giúp đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ thông suốt, an toàn và chưa ghi nhận việc xung đột giao thông cũng như ảnh hưởng an toàn giao thông của người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông...
Việc triển khai thực hiện đăng ký, thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm kinh doanh được các tiểu thương, du khách ủng hộ
Ông Nguyễn Minh Thanh (quận 1) cho biết, trước đây khi chưa thực hiện thí điểm cho thuê vỉa hè nhiều người vẫn tổ chức mua bán tràn lan trên các vỉa hè, lấn chiếm lối đi của người đi bộ, làm mất vẻ mỹ quan đô thị ngay khu trung tâm TP, nơi mà có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
"Trước đây mạnh ai người đó bày bán, để xe lấn chiếm vỉa hè. Trật tự đô thị kiểm tra thì xách ghế chạy, họ đi lại tiếp tục bày ra buôn bán. Khi làm vạch kẻ đường, cho đăng ký mua bán tôi thấy trật tự hơn trước"- ông Thanh nói.
Đồng tình, chị Lê Thị Thanh Tuyền (tiểu thương đăng ký sử dụng vỉa hè ở phường Bến Thành, quận 1), cho biết chị đã đăng ký sử dụng vỉa hè gần 5 tháng và đánh giá có hiệu quả, vỉa hè thông thoáng có lối đi cho người đi bộ, không ảnh hưởng trật tự giao thông.
"Khi thực hiện thu phí vỉa hè, quận đã vạch kẻ chỉ rõ khu vực nào để kinh doanh, khu vực nào để ghế cho khách ngồi uống nước. Vì vậy khách không còn lấn ra phần đường dành cho người đi bộ. Ngoài ra, còn có một lối đi ở giữa vỉa hè dành cho người đi bộ nên cũng hạn chế tình trạng để rác. Lối đi rộng rãi, sạch sẽ và thông thoáng hơn rất nhiều"- chị Tuyền nói