Tháng 3-2016, UBND phường 1, quận 5 phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lắp đặt hàng rào trước cổng Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Tâm thần TP.HCM, ngăn cách người đi bộ với hàng rong, xe máy. Dải phân cách dài khoảng 500 m, cao 1,3 m này ngay lập tức phát huy hiệu quả.
Dẹp được hàng rong
Ngày 17-7, có mặt trước cổng hai BV này, chúng tôi thấy vỉa hè đã thông thoáng hơn trước rất nhiều. Ông Trần Hoàng Ái (ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) lên BV Bệnh nhiệt đới khám bệnh, bày tỏ: “Hồi chưa có hàng rào, trước cổng và trên vỉa hè hai bên BV toàn là hàng rong. Mỗi lần đi trên vỉa hè tôi phải chen lấn mãi mới đi được, thậm chí có lúc đi liều xuống lòng đường. Bây giờ vỉa hè thông thoáng, ai nấy mừng vui”.
“Từ ngày chính quyền lắp hàng rào, tôi không còn bị hàng rong quấy rầy nữa. Thi thoảng có vài người chèo kéo nhưng họ cũng chạy mất khi có công an, trật tự đô thị phường đến. Cổng BV an toàn hơn hẳn” - bà Đỗ Thị Kim Ngân, quận 7, TP.HCM, nói thêm.
Để duy trì trật tự, UBND phường 1 còn cho gắn camera quan sát trước cổng hai BV trên. Nhờ đó, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch UBND phường 1, quận 5, có thể ngồi ở bất cứ đâu để quan sát tình hình trong khu vực thông qua điện thoại.
Người dân đi bộ trên vỉa hè được lắp dải phân cách. Ảnh: LÊ THOA
Khung cảnh bát nháo, chiếm dụng hết vỉa hè của người bán hàng rong trước khi lắp hàng rào. Ảnh: LÊ THOA
Một hành trình dài
Bà Yến nhớ lại: Việc giải tỏa trắng hàng rong tại khu vực này là cả một quá trình dài của phường và nhiều đơn vị liên quan. Chỉ cách đây nửa năm thôi, vỉa hè khu vực này hoàn toàn bị hàng rong chiếm dụng. Địa phương liên tục ra quân dẹp nhưng không xuể.
Đến tháng 6-2015, bà Yến quyết định thay vì dẹp hẳn thì sẽ sắp xếp cho bà con buôn bán có nơi có chỗ. Nghĩ là làm, bà Yến tổ chức ngay cuộc họp với 70 người dân chuyên buôn bán trên vỉa hè, cho họ cam kết: Phải bán đúng chỗ được sắp xếp, chừa lề đường cho người đi bộ; phải có thùng rác và thường xuyên quét dọn; không để bàn ghế, dù chiếm lề đường... Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Nhưng chỉ được một thời gian, người bán hàng tại chỗ chấp hành tốt thì hai BV lại bị những người bán hàng rong từ nơi khác tới “tấn công”. Khu vực này lại bát nháo như cũ, thế là phường quyết định giải tỏa trắng. Tháng 10-2015, UBND phường 1 bàn với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Phòng Quản lý đô thị quận 5 quyết định gắn hàng rào phân cách cho người đi bộ trước cổng hai BV. Cũng bởi quyết định này, bản thân bà Yến và nhiều cán bộ trong phường phải chịu không ít áp lực.
Kéo đến cổng UBND phường phản đối
Ngay sau khi hàng rào được lắp xong, gần 70 người buôn thúng bán bưng kéo lên UBND phường để phản đối. Tình hình căng thẳng kéo dài suốt một tháng trời, không ít lời lẽ đe dọa được tung ra khiến cán bộ phường và cả bà Yến rất bất an. Cán bộ phường thậm chí không an tâm tới cơ quan làm việc. Bà Yến quyết định mời bà con vào hội trường để đối thoại.
Bà Yến nhớ trong số họ có một phụ nữ đứng tuổi, vừa bước vào hội trường đã vỗ ngực “tôi mới đi tù về”. Phải vận động, thuyết phục mãi chị ta mới đồng ý tìm công việc khác. “Chị ấy tuy dữ dằn nhưng cũng là phụ nữ, khổ quá nên mới bức xúc như vậy. Hiểu được nỗi khổ đó, tôi đã nhỏ to nhiều lần khuyên nhủ chị tìm việc khác ổn định hơn” - bà Yến kể.
Có em sinh viên theo mẹ buôn bán ở vỉa hè BV Tâm thần, bà Yến đã xuống tận nơi để khuyên em tìm công việc khác để gia đình có cuộc sống ổn định. Phường cũng tạo điều kiện giúp em tìm được công việc ưng ý. Bây giờ em sắp đi xuất khẩu lao động ở Nhật, gia đình cũng không còn buôn bán ở đây nữa.
Trường hợp khác, một thanh niên xăm trổ đầy mình đã quyết đòi ăn thua đủ khi bị lực lượng trật tự đô thị thu giữ xe đẩy. Bà Yến cũng phải trực tiếp nhỏ to khuyên nhủ, nghe anh ta giãi bày về khó khăn trong cuộc sống. Sau đó, bà Yến quyết định trả lại xe hàng rong nhưng đề nghị anh ta thu xếp buôn bán ở một nơi hợp pháp khác… “Nhiều anh em trong lực lượng trật tự đô thị bị đe dọa, bị họ đi theo đến tận nhà nên rất lo lắng cho an toàn của gia đình. Do đó việc lãnh đạo đứng ra giải quyết từng trường hợp khó khăn kể trên có tác dụng động viên anh em rất nhiều” - bà Yến giãi bày.
Khi dẹp trật tự lòng, lề đường, vấn đề không phải là xử lý được ai, bao nhiêu trường hợp để báo cáo thành tích, mà quan trọng phải đánh vào nhận thức của người dân. Người lãnh đạo phải đích thân xuống tận nơi xem cách bà con buôn bán, biết lắng nghe, chia sẻ với họ; như thế khi chính quyền vận động họ mới nghe theo. Đừng nên coi dân là người đối chọi với mình, mà phải đặt mình vào vị trí của họ để có cách giải quyết thỏa đáng. Bà NGUYỄN THỊ BẠCH YẾN, |