Quân đội Nga sắp có 3 vũ khí độc đáo trong năm 2022

Tên lửa siêu thanh, xe tăng thế hệ thứ tư và tiêm kích MiG bản nâng cấp, đây là những gì Nga dự định trang bị cho quân đội nước này trong năm 2022, theo trang Russia Beyond.

Năm 2018, quân đội Nga ký thỏa thuận trị giá 300 tỉ USD với các nhà sản xuất vũ khí về chế tạo vũ khí và phát triển vũ khí công nghệ cao đến năm 2027. Mỗi năm, quân đội Nga nhận máy bay mới, xe tăng mới, tàu chiến mới, tàu ngầm mới và năm 2022 cũng sẽ không ngoại lệ.

Dưới đây sẽ là danh sách những đợt mua sắm nổi bật nhất của quân đội Nga trong năm 2022.

Máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa siêu thanh

Đầu tiên, quân đội Nga sẽ nhận máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa siêu thanh. Điều này đã được Trung tướng Andrey Yudin, Tư lệnh Không quân Nga tiết lộ vào cuối tháng 11-2021.

Tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal. Ảnh: Yulia Loris/TASS

Máy bay và tên lửa mà ông Yudin nói tới là các máy bay chiến đấu MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47M2 ‘Kinzhal’.

“MiG-31 là máy bay chiến đấu thời Liên Xô, được chọn để tích hợp vũ khí mới. Chọn máy bay này vì nó có thể cất cánh nhanh hơn và bay cao hơn so với những mẫu máy bay khác” – ông Ivan Konovalov, Giám đốc phát triển Quỹ Thúc đẩy Công nghệ thế kỷ 21, nói.

Trần bay trung bình mà MiG-31 đạt được là 25 km. Từ độ cao này, MiG-31 có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất và trên không cách xa tới 2.000 km bằng tên lửa Kinzhal.

“Tính năng nổi bật của tên lửa này là tốc độ và khoảng cách mà nó có thể bắn được. Nói một cách đơn giản, không có hệ thống phòng không hiện đại nào của Nga hay nước ngoài có thể bắn hạ mục tiêu cách 2.000 km” – chuyên gia Konovalov nói.

Theo ông Konovalov, tên lửa Kinzhal có thể tăng tốc lên Mach 10 (12.240 km/giờ) và sẽ không có hệ thống chống tên lửa nào có thể đánh chặn.

“Để một tên lửa đánh chặn bắn rơi một tên lửa khác trên bầu trời thì tên lửa đánh chặn đó phải nhanh hơn và đánh chặn tên lửa kia trên bầu trời theo quỹ đạo bay của nó. Không có hệ thống phòng không nào hiện nay có thể làm như vậy” – ông Konovalov cho biết thêm.

Tên lửa Kinzhal không phải là tên lửa siêu thanh duy nhất sẽ được bàn giao cho quân đội Nga trong năm 2022.

Tên lửa siêu thanh Zircon

Cuối tháng 11-2021, quân đội Nga tiến hành thành công các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh trên biển Zircon. Lần đó, Hải quân Nga đã kiểm tra mức độ phù hợp của vũ khí này trên thiết giáp hạm (trước đây tên lửa Zircon chỉ được thử nghiệm trên tàu ngầm).

Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga được phóng từ tàu khu trục Đô đốc Gorshkov trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: DW

“Các cuộc thử nghiệm quá thành công đến mức Hải quân Nga đã đặt hàng hàng loạt tên lửa này cho hạm đội với số lượng không được tiết lộ. Vì vậy, bắt đầu từ tháng 1-2022, các tàu Nga sẽ nhận những tên lửa siêu thanh này.  Tuy nhiên, việc triển khai tên lửa Zircon trên tàu ngầm đã bị hoãn không rõ lý do cho tới năm 2025” – ông Dmitry Litovkin, Tổng biên tập tạp chí Independent military review nhận xét.

Tên lửa Zircon có thể bay với vận tốc 2,5 km/giây (gấp tám lần vận tốc âm thanh) và sẽ là một hệ thống mới vượt trội trong thập niên tới.

“Nói một cách đơn giản, những tên lửa này được trang bị đầu đạn mạnh nhất, sẽ đem lại khả năng răn đe mới” – ông Litovkin lưu ý.

Theo ông Litovkin, tên lửa Zircon ban đầu được chế tạo như một biện pháp đối phó các nhóm tàu sân bay tối đa 10 thiết giáp hạm.

“Ngày nay, không có hệ thống nào tương tự tên lửa Zircon và Kinzhal. Lý do rất đơn giản, các nền quân đội nước ngoài chỉ bắt đầu tích cực đầu tư phát triển công nghệ siêu thanh khi ông Putin thông báo năm 2018 rằng Nga đã chế tạo những vũ khí này” – ông Konovalov nói.

Chuyên gia nhấn mạnh rằng mặc dù ngân sách gần như không giới hạn (năm 2022, Mỹ lên kế hoạch chi khoảng 800 tỉ USD vào quân sự và phát triển vũ khí mới), song Mỹ phải mất nhiều năm để chế tạo tên lửa siêu thanh.

Xe tăng T-14 Armata

Tháng 11-2021, quân đội Nga ký một thỏa thuận về việc chế tạo bổ sung 132 xe tăng T-14 Armata cho quân đội.

Xe tăng T-14 Armata được coi là xe tăng thế hệ thứ tư duy nhất hiện nay trên thế giới. Như các chuyên gia đã nhấn mạnh, xe tăng T-14 Armata vượt trội hơn hẳn các đối thủ nước ngoài về đặc điểm chiến đấu.

Xe tăng T-14 Armata. Ảnh: Anton Novoderzhkin/TASS

“T-14 Armata có các tính năng mà không xe tăng nào có. Chẳng hạn, đây là xe tăng duy nhất có tháp pháo không người lái và hệ thống nhắm mục tiêu tự động. Đây cũng là xe tăng duy nhất có cái gọi là “hệ thống quản lý liên kết chiến thuật” có thể phối hợp tác chiến với máy bay không người lái hoặc gửi dữ liệu và thông tin tình báo tới các đơn vị pháo binh và hệ thống phòng không được bố trí trên chiến trường” – chuyên gia Konovalov cho biết.

T-14 Armata cũng là xe tăng đầu tiên có khả năng tàng hình trong các quang phổ hồng ngoại, từ trường và vô tuyến, được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Afganit thế hệ mới. Lớp giáp mới có khả năng đánh chặn các loại đạn chống tăng và tên lửa dẫn đường chống tăng bằng lớp bọc bảo vệ “khói và kim loại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm