Quan sát nghị trường: 'Đáng tiếc'

(PLO)- Trong hai ngày thảo luận tại nghị trường Quốc hội về kinh tế - xã hội đã có nhiều vấn đề được “xới” lên nhưng mỗi tư lệnh ngành chỉ có khoảng 10 phút để giải trình, trong khi có lẽ họ cần nhiều hơn thế.

Đó là từ mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dùng khi giải trình trước Quốc hội (QH) về tình trạng thiếu xăng dầu mà các đại biểu (ĐB) phản ánh trên nghị trường ngày 28-10. Khi nội dung này vừa được báo chí đăng tải, lập tức đã có những phản ứng trước giải trình này của Bộ trưởng Diên.

Phản ứng không chỉ vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, gắn chặt với sinh hoạt thường ngày của người dân, với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn như ĐB Lê Thanh Vân và nhiều ĐB khác nói, xăng dầu gắn chặt với an ninh năng lượng. Căng thẳng xã hội cho dù là cục bộ ở một vài cây xăng đóng cửa là một biểu hiện của khía cạnh an ninh ấy.

Đáng tiếc, có lẽ ý của Bộ trưởng Diên là cơ quan quản lý có thể điều hành xăng dầu tốt hơn, chỉn chu hơn để không xảy ra cảnh nhiều cửa hàng trương biển chỉ còn dầu để bán hay xăng lẻ được bán ở vệ đường lên đến 35.000 đồng/lít.

Cũng khá đáng tiếc khi các vấn đề về kinh tế - xã hội hai ngày qua được “xới” lên rất nhiều nhưng mỗi tư lệnh ngành chỉ có khoảng 10 phút để giải trình, trong khi có lẽ họ cần nhiều hơn thế. Bởi như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lúc thảo luận về dự thảo Nghị quyết nội quy kỳ họp nói: Có nhiều vấn đề Chính phủ và các thành viên cần được giải trình rõ ràng và mong muốn QH thu xếp “thời gian vật chất” nhiều hơn.

Cũng đáng tiếc bởi gần như kỳ họp QH nào cũng có những buổi thảo luận về dự luật, nghị quyết, vấn đề quốc kế dân sinh mà thời gian dự kiến không được dùng hết. Bởi vì nhiều chủ đề có phần đặc thù mà chỉ ĐB chuyên trách, thuộc ngành đó mới có đủ “phông nền” để phát biểu.

QH khóa XV này đã nỗ lực để rút gọn thời gian của các ĐB, với nhiều người là cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp ở trung ương, địa phương. Muốn vậy, chương trình làm việc và tổ chức công việc của QH phải rất khoa học, không để thời gian chết mà cũng không được để thiếu thốn.

Những nỗ lực ấy đã được thể hiện qua nhiều cải cách, như tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ tổ chức các phiên giải trình nối mạng đến các đầu cầu có liên quan, rồi các hội nghị ĐB chuyên trách...

Đổi mới QH hẳn nhiên không hoàn toàn là việc riêng của QH. Bởi từ trước kỳ họp, lãnh đạo Chính phủ - lãnh đạo QH đã có những cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc, thúc đẩy công việc chung.

Bằng cách ấy, mỗi kỳ họp, ĐBQH mới phản ánh được hết ý chí, nguyện vọng, cả những băn khoăn, bức xúc của cử tri. Chính phủ và các thành viên, cũng như nhánh tư pháp, lắng nghe, giải trình, báo cáo đầy đủ những việc làm được, chưa làm được. Từ đó mới cùng nhau thúc đẩy phát triển!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới