'Quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá đất

(PLO)- Vẫn còn tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, băng nhóm “xã hội đen” bảo kê nhằm thao túng cuộc đấu giá.

Ngày 19-7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Xã hội đen” bảo kê,thao túng đấu giá đất

Tại hội nghị, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động đấu giá tài sản.

Chỉ đạo của Bộ trưởng

Lê Thành Long

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị đội ngũ ngành tư pháp tiếp tục tham mưu, triển khai định hướng xây dựng luật, pháp lệnh định kỳ, đề nghị cẩn thận khi ban hành các quy định để xử lý các vụ việc phòng chống tham nhũng, tránh lợi ích nhóm.

Ông Long cũng yêu cầu rà soát các văn bản, cần có ý kiến pháp lý để xử lý những vụ việc còn tồn đọng sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra. Cần cẩn trọng nhằm tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng để giải quyết các vấn đề như bán đấu giá đất ở Thủ Thiêm…

Cụ thể, việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá trong nhiều trường hợp còn chưa hợp lý, chênh lệch nhiều so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhiều, đặc biệt là giá đất.

Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Đáng báo động là tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá; hạn chế thông tin về cuộc đấu giá, cản trở, hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá, vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá tài sản…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại hội nghị. Ảnh: XĐ

Nguy hiểm hơn, hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự bảo kê của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi đe dọa, cưỡng ép những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá vẫn còn xảy ra.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) đưa ra ba kiến nghị.

Một là kiến nghị Bộ TN&MT, các cơ quan có thẩm quyền trung ương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định đất đai về giá khởi điểm đấu giá QSDĐ, về điều kiện yêu cầu chứng minh năng lực tài chính của đơn vị tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, chế tài đối với việc tham gia đấu giá QSDĐ nhưng không thực hiện việc thanh toán tiền trúng đấu giá.

Hai là kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 62/2017 (hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản). Ba là kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng nghiên cứu hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc trang thông tin điện tử về tài sản công…

Gần 500 bản án, quyết định hành chính chưa thi hành xong

Báo cáo chuyên đề của bộ về công tác thi hành án (THA) hành chính cho thấy từ ngày 1-10-2018 đến 30-9-2021, kết quả công tác này đã “tăng rõ rệt”. Công tác THA hành chính ngày càng nề nếp, năm sau tăng cao hơn năm trước, đã thi hành xong 1.116 bản án, quyết định, trong đó có 894 bản án người phải THA đã tự nguyện thi hành; số bản án, quyết định chưa thi hành xong là 489.

Tuy nhiên, việc thi hành các bản án, quyết định hành chính thuộc trách nhiệm của chủ tịch UBND, UBND ở một số địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đáng chú ý, mặc dù vẫn còn những bản án hành chính chưa được thi hành xong, trong đó có những bản án tòa án đã ra quyết định buộc THA hành chính nhưng chưa có trường hợp nào chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm trong THA hành chính.

Bộ Tư pháp cho rằng cần tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THA hành chính ở các địa phương có số lượng bản án hành chính phải thi hành lớn hoặc tổ chức làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương để rà soát, xác định nguyên nhân tồn đọng của từng bản án, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng bản án.

“Trường hợp cần thiết, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương trong việc chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án” - báo cáo nêu rõ.

Án tham nhũng, kinh tế: Còn gần 80.000 tỉphải thi hành

Kết quả công tác THA dân sự chín tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1-10-2021 đến 30-6-2022): Về việc, tổng số phải thi hành là 731.917 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 541.575 việc. Đã thi hành xong 348.490 việc, đạt tỉ lệ 64,35% (tăng 0,42% so với cùng kỳ năm 2021).

Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 332.984 tỉ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 175.874 tỉ đồng. Đã thi hành xong trên 52.166 tỉ đồng, tăng hơn 16.930 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021; đạt tỉ lệ 29,47% (tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021).

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế (thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo), tổng số tiền phải thi hành là hơn 129.619 tỉ đồng, số đã thi hành xong là hơn 49.838 tỉ đồng, còn phải thi hành hơn 79.781 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới