Có hiện tượng băng nhóm 'xã hội đen' bảo kê nhằm thao túng các cuộc đấu giá đất

(PLO)-  Hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự bảo kê của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi đe dọa, cưỡng ép những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá vẫn còn xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Tham dự tại điểm cầu Trung ương có ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành có giám đốc các Sở Tư pháp, cục trưởng các Cục Thi hành án dân sự (THADS)…

Tại hội nghị, ông Lê Xuân Hồng - cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) thẳng thắn chỉ ra năm tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu giá tài sản. Cụ thể:

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng phát biểu từ điểm cầu của Bộ Tư pháp. Ảnh: MINH CHUNG

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng phát biểu từ điểm cầu của Bộ Tư pháp. Ảnh: MINH CHUNG

Thứ nhất, việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá trong nhiều trường hợp còn chưa hợp lý, chênh lệch nhiều so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhiều, đặc biệt là giá đất.

Thứ hai, một số địa phương còn diễn ra tình trạng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi mà không có nhu cầu sử dụng thực tế; một số trường hợp tham gia đấu giá và trả giá rất cao sau đó bỏ cọc nhằm mục đích đẩy giá lên cao, trúng đấu giá xong không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Thứ ba, còn tình trạng người có tài sản đấu giá thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, coi nhẹ, thậm chí buông lỏng việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá.

Thứ tư, năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Thứ năm, đáng báo động đó là tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá; hạn chế thông tin về cuộc đấu giá, cản trở, hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá, vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá tài sản…

Nguy hiểm hơn, hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự bảo kê của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi đe dọa, cưỡng ép những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá vẫn còn xảy ra.

Theo cục trưởng Hồng, các tồn tại, hạn chế nêu trên do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Một số nguyên nhân khách quan, đó là: Hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều khâu, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan Bộ, ngành, địa phương…

Cạnh đó, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (trong đó đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển. Vì vậy, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi, trong khi đó tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chiếm tỷ lệ rất thấp (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc…

Mặt khác, tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).

Về nguyên nhân chủ quan: Việc tổ chức thi hành, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm quản lý tài sản trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với quyền sử dụng đất… chưa được quan tâm, nhận thức đúng.

Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm