Ngày 18-9, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp để rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) mùa mưa bão năm 2024.
Đặc biệt, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4 và mưa lớn trong những ngày tới, tỉnh Quảng Bình đã có lệnh cấm biển từ 0 giờ ngày 19-9 cho đến thời điểm an toàn, triển khai các phương án bốn tại chỗ.
Quảng Bình còn 164 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở kgu vực núi, khu dân cư, bờ sông, bờ biển, trong đó 10 điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt nguy hiểm.
Hiện tỉnh đang phân công lực lượng đi kiểm tra, rà soát 74 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó tám điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn như đồi Phòng Không ở thôn xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, phía dưới chân đồi có 37 hộ dân đang sinh sống. Các vết nứt lớn khả năng cao sạt lở núi tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa...
“Hiện nay, các loại hình thiên tai đang diễn biến rất phức tạp. Sau bão lũ là các loại hình thiên tai khác như sạt lở đất, lũ lụt, lốc xoáy, gió mạnh, thiên tai đi liền với mưa lũ. Do vậy, đề nghị các ngành chủ động ứng phó, nếu như không chủ động thì không lường trước được những diễn biến của thiên tai” ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lưu ý.
Theo ghi nhận của PLO, để chủ động ứng phó với mưa bão, lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Bình trên tuyến biển đã thực hiện hàng trăm lượt thông báo, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên khu vực biển nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn. Kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền tại các âu thuyền và khu vực neo đậu an toàn trên sông Gianh, sông Dinh, Nhật Lệ và sông Loan (Roòn).
Tổ chức kêu gọi người dân không đi vào rừng và liên lạc yêu cầu những người dân đang ở trong rừng đi về nhà.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, người dân đã chủ động cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp đồ đạc đến nơi an toàn đề phòng khi mưa bão đổ bộ…
Một số hình ảnh do PLO ghi nhận: