Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng, kiện ai bồi thường thiệt hại?

Hiện nay, có nhiều thông tin quảng cáo, giới thiệu nhiều sản phẩm tiêu dùng trên nhiều tờ báo (dưới hình thức: tin quảng cáo, bài viết của một nhân vật có tên tuổi nào đó...) Trong đó, sản phẩm thực phẩm chức năng, đặc biệt là những loại về xương khớp, tiểu đường, gout, đột quỵ ... mà những người có tuổi rất quan tâm. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp con cháu không tin tưởng nguồn các thông tin trên, khuyên các cụ không nên sử dụng đã làm các cụ tự ái và tự mình trực tiếp mua dùng.Điều này làm tôi lo lắngtác hại của loại này không phản ứng ngay như thuốc tân dược nên khó nhận thấy để kịp thời cấp cứu. Vậy khi đưa tin, đăng lên báo, tờ báo có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm không? Nhà sản xuất, đơn vị phân phối có phải chịu trách nhiệm như tờ báo không?Người tiêu dùng có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án để phân xử, giải quyết khi hậu quả xãy ra hay không?  Nguyễn Thị Vượng (ntv2000@gmail.com)

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ Luật Quảng cáo thì người tiếp nhận quảng cáo được quyền thông tin trung thực về chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; được yêu cầu người quảng cáo (người cung cấp, phân phối sản phẩm) hoặc người phát hành quảng cáo (cơ quan báo chí phát hành quảng cáo) bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo; Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi người tiếp nhận quảng cáo tiếp nhận thông tin sản phẩm và chất lượng sản phẩm không đúng như nội dung quảng cáo thì được quyền yêu cầu những đối tượng trên bồi thường thiệt hại. 

Cũng theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo thì một trong những hành vi bị cấm quảng cáo là: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”

Ngoài ra, người quảng cáo có nghĩa vụ phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo. Người phát hành quảng cáo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Như vậy, khi có hậu quả xãy ra do sử dụng thực phẩm chức năng thì người tiếp nhận quảng cáo có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại như quy định nêu trên. Lưu ý, trước khi đi kiện thì chúng ta cần phải xác định thiệt hại xãy ra và nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đó. Đồng thời, thiệt hại đó phải có mối liên hệ nhân quả với hành vi của người quảng cáo và người phát hành quảng cáo.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm