Sáng 5-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chủ trì buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và nhiệm vụ trọng tâm quý IV, năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tính quý III tăng cao ở mức 18,7%; GRDP chín tháng tăng gần 13,2% so với cùng kỳ, xếp vị thứ tám cả nước; thứ hai trong Khu vực trọng điểm kinh tế Miền Trung; thứ tư trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng trên 10%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%). Tổng thu NSNN ước thực hiện đến cuối tháng 9 là 22.128 tỉ đồng, đạt 93% dự toán, tăng 47% so với cùng kỳ.
Theo đó, thu ngân sách chủ yếu ở khu vực công thương, ngoài quốc doanh từ Tập đoàn Ô tô Trường Hải và các doanh nghiệp thủy điện với tổng doanh thu đạt 11.734 tỉ đồng, chiếm gần 70% thu nội địa.
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Quảng Nam là 7.275,1 tỉ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 là 6.861,8 tỉ đồng (sau khi bổ sung), kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài 413,3 tỉ đồng.
Một cây cầu thi công dang dở ở Quảng Nam. Ảnh: TN. |
Tính đến hết ngày 30-9, tổng vốn đầu tư công năm 2022 đã giải ngân 2.939,7 tỉ đồng, so với kế hoạch vốn giao đầu năm đạt 46,9% và so với kế hoạch vốn sau bổ sung đạt chỉ đạt 40,4%.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam Nguyễn Hưng, cho biết nguyên nhân giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do công tác giải phóng mặt bằng bị vướng; vốn chuyển từ năm này sang năm khác, hết hiệu lực giải ngân vẫn chưa được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, giá cả nguyên vật liệu những tháng đầu năm tăng cao hoặc thiếu, dịch bệnh kéo dài…cũng là những lý do khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công khó về đích.
Về giải pháp, ông Hưng cho hay, đã tham mưu UBND tỉnh đôn đốc chủ đầu tư, cho phép điều chỉnh giá. Từ 2023 trở đi, các dự án khởi công mới phải hoàn thành thủ tục đầu tư trước 31-10 năm nay, để khi trình kế hoạch mới, các công trình phải hoàn chỉnh thủ tục.