Các hành vi này gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, làm giảm sự uy nghiêm của chốn công đường nhưng thực tiễn xử lý phần lớn chỉ dừng lại ở việc tòa mời công an đến can thiệp, mời người quậy phá, gây rối về trụ sở cơ quan công an làm việc rồi sau đó cũng thả ra. Hãn hữu lắm mới có vụ việc nghiêm trọng bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.
Một nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc cơ quan chức năng chưa mạnh tay xử lý người quậy phá, gây rối, cản trở hoạt động xét xử là do thiếu quy định và thiếu cả hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử lý... Tuy nhiên, trong thời gian tới, thực tế này có thể sẽ thay đổi bởi pháp luật đã bổ sung nhiều quy định mới về vấn đề này.
Cụ thể, BLTTHS 2015 đã bổ sung một chương mới (Chương XXXII) quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo Điều 467, chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành các quyết định trên của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự. Quy định này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của tòa.
Song song đó, BLHS 2015 cũng bổ sung một tội danh mới là tội gây rối trật tự tại phiên tòa. Theo Điều 139, người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên HĐXX, những người khác có mặt tại phiên tòa hoặc có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm...
Hy vọng các quy định mới nói trên sẽ là phương thuốc ngăn chặn, xử lý hữu hiệu đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa, từ đó bảo đảm được sự tôn nghiêm của chốn pháp đình, nơi là biểu tượng của công lý và bảo vệ quyền con người.