Quê hương đất Huế thương nhớ Đại tướng Lê Đức Anh

“Chú gắng giữ gìn sức khỏe để cuối năm về thăm con cháu”, Đại tướng lúc này đang điều trị tại bệnh viện, dù không còn nói được nhưng ông đã gật đầu, tôi cảm nhận được nỗi lòng muốn về thăm quê qua ánh mắt của ông - anh Lê Trung Thành (50 tuổi) kể lại lần ra thăm đại tướng Lê Đức Anh hồi năm trước.

Ngày 23-4, tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, một người con của xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) từ trần đã làm cho người dân nơi đây không khỏi bùi ngùi, tiếc nhớ. Đâu đâu người dân cũng bàn tán về Đại tướng bằng những mẫu chuyện góp nhặt qua nhiều lần gặp mặt ngắn ngủi lúc ông về thăm quê....

Vị tướng giản dị

Trong nhà văn hóa của đại tướng Lê Đức Anh nằm tại thôn Nam, xã Lộc An, người dân gấp rút dọn dẹp những vật liệu đang thi công trùng tu còn nằm ngổn ngang để chuẩn bị đón người dân đến dâng hương vị tướng tài của quê hương.

Đại tướng Lê Đức Anh.

Nhà văn hóa mang tên Đại tướng được xây dựng vào năm 2012, bên trong đặt những bức ảnh lưu niệm về cuộc đời sự nghiệp của ông. Hơn 500 đầu sách được đặt trên các kệ để phục vụ cho người dân, học sinh trên địa bàn mỗi lần đến tham quan, tìm hiểu.

“Người dân và chính quyền địa phương mong muốn lập nhà văn hóa để tưởng nhớ công ơn của Đại tướng. Nhưng ban đầu Đại tướng không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sau nhiều lần thuyết phục thì ông cũng đồng ý. Tuy nhiên ông nhắc nhở làm nhỏ thôi, đừng ảnh hưởng đến ruộng đất của người dân” - Lê Trung Thành (50 tuổi), người trong coi nhà văn hóa, cũng là người gọi đại tướng Lê Đức Anh bằng chú nói.

“Mỗi lần về ông thường thích ăn những món ăn đơn giản ở quê hương. Đặc biệt một thứ không thể thiếu được là chè Truồi. Mọi người ở đây ai cũng biết đến ông với đức tính giản dị, liêm khiết. Con cháu trong thôn lấy ông là tấm gương sáng để học hỏi” - anh Thành tâm sự.

Quê hương thương nhớ

Nhiều năm rồi, vì lý do sức khỏe nên Đại tướng không thể về thăm quê. Nhưng nhiều người thân ở quê mỗi lần ra Hà Nội thường hay ghé thăm ông.

“Cháu Lê Trung Thành, người trong coi nhà văn hóa của chú ra thăm chú đây”- anh Thành nói khi vừa đến bên giường nằm của Đại tướng.

“Tôi nắm tay ông, một cái bắt tay thật chặt. Ông không còn nói được nhưng qua ánh mắt, nụ cười tôi cảm nhận được ông vui mừng vì có người ở quê đến thăm” - anh Thành kể lại.

“Chú gắng giữ gìn sức khỏe để cuối năm về thăm con cháu” - anh Thành nói với Đại tướng. Dù không còn nói được nhưng anh Thành kể rằng ông đã gật đầu. Nhưng không ngờ ông không thể về thăm con cháu ở quê thêm một lần nữa.

Đại tướng Lê Đức Anh tại đảo Trường Sa lớn (quần đảo Trường Sa) ngày 7-5-1988 dịp kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam.

Qua lời kể của trưởng thôn 5 nhiệm kỳ Trần Văn Luật (69 tuổi), Đại tướng Lê Đức Anh là một người tài và có đức, có lối sống giản dị và được nhiều người ở địa phương quý trọng.

“Sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh là một sự mất mát lớn, nhưng ông luôn là tấm gương sáng để những thế hệ sau học hỏi” - ông Luật nói.

Ở quê nhà Lộc An hôm nay, nơi nơi người dân bàn chuyện Đại tướng từ trần, người kể chuyện về những lần gặp gỡ. Nhiều người mong mỏi hỏi nhau liệu ông có được đưa về đất mẹ - nơi có con sông Truồi hiền hòa bắt từ núi Bạch Mã hiểm trở chảy về hòa vào dòng nước vùng đầm phá Cầu Hai trước khi đổ ra biển cả... 

Lưu bút của các lãnh đạo Đảng, nhà nước trong Sổ vàng lưu niệm tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (ghi vào 7-4-2012): Đại tướng Lê Đức Anh một cán bộ quân sự - chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí Quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Tôi rất vui mừng được dự lễ khánh thành nhà văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh. Mong rằng nhà văn hóa sẽ khích lệ con em các thế hệ của Phú Lộc - Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, noi gương người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng lĩnh tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cao cả: Bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm