Cả bốn luật này đều được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2015, và lẽ ra có hiệu lực đầy đủ từ 1-7 tới. Và lý do của việc lùi thời hiệu là hàng loạt sai sót trong BLHS, mà Pháp Luật TP HCM đã có bài chỉ ra hồi tháng 4 vừa qua.
Để đi tới nghị quyết đặc biệt này, hôm 27-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã mở phiên họp đặc biệt, triệu tập tất cả trưởng hoặc phó trưởng đoàn đại biểu từ 63 tỉnh thành, để báo cáo, thảo luận về kết quả rà soát BLHS 2015. Cuộc họp cũng đi đến thống nhất phương án là gửi ngay tới các đại biểu quốc hội tờ trình của Ủy ban Thường vụ về việc lùi hiệu lực bốn luật, kèm theo là dự thảo nghị quyết của Quốc hội để các đoàn họp, biểu quyết bằng bỏ phiếu kín.
Việc thảo luận, phát phiếu biểu quyết tại đoàn đại biểu các địa phương thay vì bấm nút ở phiên họp toàn thể “xuân thu nhị kỳ” của Quốc hội tại Hà Nội là chưa có tiền lệ trong lịch sử cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vậy nên, lần này hồ sơ, tài liệu gửi tới các đại biểu được chuẩn bị rất kỹ. Bao gồm tờ trình, dự thảo nghị quyết và cả một báo cáo chi tiết về kết quả rà soát BLHS 2015, liệt kê rõ gần 100 điểm sai sót theo 41 nhóm, kèm theo là phương án sửa đổi. Một mẫu phiếu cũng được đính kém, ghi rõ lựa chọn: đồng ý, không đồng ý, không ý kiến – giống như nút bấm biểu quyết tại Hội trường Diên Hồng ở Hà Nội. Tất cả được bỏ trong phong bì, dán kín, gửi tới từng đại biểu để họ nghiên cứu, quyết định.
Hai ngày qua, các đoàn đại biểu ở các tỉnh, thành đã nhóm họp để thảo luận và ghi phiếu. Các đại biểu sinh sống, làm việc ở Hà Nội thì có thể tới bỏ phiếu trực tiếp ở Hội trường Diên Hồng. Đến chiều 29-6, tính tất cả số phiếu mà các tỉnh gửi về qua đường chuyển phát nhanh, bảo mật thì ban kiểm phiếu đã thu về 438 phiếu hợp lệ. Trong đó 432 phiếu đồng tình với dự thảo nghị quyết, đạt tỷ lệ 85,63% tổng số đại biểu quốc hội.
Nghị quyết được Quốc hội khóa XIII thông qua có một số ý chính sau:
Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự và ba luật liên quan nêu trên cho đến ngày luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành.
Bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, cụ thể là vào kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV.
Tiếp tục áp dụng BLHS, các luật, nghị định có liên quan tương ứng cho đến khi các luật mới có hiệu lực.
Nghị quyết cũng quy định rõ trong thời gian chuyển tiếp này, các quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS, BLTTHS 2015 có hiệu lực và được áp dụng. Đây cũng là tinh thần trong hai nghị quyết của Quốc hội về thi hành hai bộ luật, được thông qua năm 2015, cùng lúc với các bộ luật này. Hai nghị quyết cũng được kéo dài hiệu lực cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS có hiệu lực.
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, nhiều đại biểu quốc hội, dù con băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc thảo luận, biểu quyết một nghị quyết không tại kỳ họp, song đánh giá đây là giải pháp khả dĩ nhất cho tình huống đặc biệt này.
Để đảm bảo “chữa cháy” kịp thời cho BLHS nhiều sai sót, ngay cuối chiều 29-6, Văn phòng Quốc hội đã chuyển Nghị quyết nói trên của Quốc hội sang Văn phòng Chủ tịch nước, để kịp trình Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký lệnh công bố. Văn phòng Chủ tịch nước cũng đồng thời thông báo họp báo công bố nghị quyết của Quốc hội vào sáng mai, 30-6.