Chuyên gia: Trung Quốc có 'vũ khí ma thuật' né trừng phạt Mỹ

Theo tờ South China Morning Post ngày 12-10, Cựu thị trưởng TP Trùng Khánh đồng thời là chuyên gia tài chính Trung Quốc Huang Qifan cho biết Mỹ khó có thể phát động một cuộc chiến tài chính chống lại Trung Quốc vì nếu làm như thế chẳng khác gì chính Washington đang tự làm tổn thương mình.

Phát biểu của ông đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với thời hạn nước rút để xác định và trình trước Quốc hội một báo cáo về những cá nhân góp phần làm "xói mòn" quyền tự trị của Hong Kong vào ngày 15-10 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THE UNN

Nhiều người Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính trên diện rộng đối với nền kinh tế lớn thứ hai bằng cách cắt giảm khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với đồng USD - đơn vị tiền tệ chính dùng trong thương mại và thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, ông Huang trấn an người dân nước mình rằng: "Nếu Mỹ thực sự tách biệt với Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, điều này chỉ làm tổn thương Bắc Kinh một phần nhưng sẽ làm tổn thương chính Washington gấp đôi. Đây không khác gì 'một nỗ lực tự sát' của Mỹ, và chính họ sẽ là bên phải 'chết trước'".

Bắc Kinh "không dễ" bị bắt nạt

Theo ông Huang, Mỹ đã thành công trong việc "bắt nạt" các nền kinh tế như Nga, Đông Nam Á và Hàn Quốc bằng cách sử dụng sức mạnh tài chính của mình dựa trên vai trò "thống trị" của đồng USD. Tuy nhiên, ông tin rằng chiến thuật này "sẽ không hiệu quả với Trung Quốc".

Theo ông, Trung Quốc có ba "vũ khí ma thuật" để bảo vệ mình khỏi bất kỳ lệnh trừng phạt tài chính tiềm tàng nào của Mỹ. Các vũ khí đó gồm việc dòng vốn ra và vào Trung Quốc hiện đang bị hạn chế nghiêm ngặt, quy mô sở hữu tài sản nước ngoài trong hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn nhỏ, và sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh trong các hoạt động tài chính.

"Nếu ba yếu tố trên được nới lỏng hoàn toàn, điều đó sẽ khiến Mỹ dễ dàng lật đổ Trung Quốc. Bắc Kinh phải giữ chắc ba con át chủ bài này và chỉ được trao quyền dưới sự giám sát thuộc thẩm quyền của hệ thống chính trị của mình. Chính điều này sẽ giữ cho Trung Quốc đứng vững trước các âm mưu từ phía Mỹ" - ông Huang, người đồng thời đang là Phó Giám đốc Trung tâm Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nói thêm.

Do đó, các liên kết kinh tế và tài chính của Trung Quốc với Mỹ có giá trị rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp và các ngân hàng đầu tư của Mỹ, bất chấp nỗ lực của các chính trị gia nhằm chia rẽ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Yếu tố then chốt trong kinh doanh ở Phố Wall là thị trường. Những nhà đầu tư ở đây nghe theo thị trường vốn và tài chính, chứ không phải [Tổng thống Mỹ Donald] Trump. Ông Trump không có quyền hoặc thẩm quyền ra lệnh cho Phố Wall hoặc cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chống lại Trung Quốc. Ông ấy chỉ gây ồn ào" - ông Huang nói trong một hội nghị do Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc tổ chức hôm 9-10.

Xác suất Mỹ cô lập Trung Quốc là cực kỳ thấp

Ông Guan Tao - một cựu quan chức của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, trước đây nói rằng khả năng Mỹ loại Trung Quốc ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) chỉ có thể "xảy ra với xác suất cực kỳ thấp".

"Trừ khi có sự đồng thuận của các thành viên khác về một biện pháp trừng phạt chung, nếu không thì Mỹ sẽ không thể một mình quyết định liệu một quốc gia có thể sử dụng SWIFT hay không. Trước đó, nỗ lực của Mỹ nhằm loại Nga khỏi SWIFT đã thất bại" - ông Guan cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với truyền thông Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng xác suất Mỹ cắt tất cả các tổ chức của Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD, cụ thể là Hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng của Mỹ (CHIPS) thậm chí còn nhỏ hơn.

Tuy nhiên, ông Quan cảnh báo vẫn có khả năng Mỹ sẽ hạn chế quyền truy cập vào CHIPS hoặc SWIFT để trừng phạt một số tổ chức riêng lẻ của Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm