Ấn Độ biến pháo phòng không thời Thế chiến 2 thành sát thủ diệt UAV hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ấn Độ đã chiến đấu với các mối đe dọa máy bay không người lái (UAV) xuyên biên giới ở các khu vực Jammu and Kashmir và Punjab trong thời gian khá dài. UAV đang được sử dụng để tuồn lậu vũ khí và ma túy; chúng cũng đang được những kẻ khủng bố sử dụng để thả bom xuống các căn cứ quân sự như căn cứ không quân Jammu đầu năm nay.

Bản demo UAV bầy đàn của Lục quân Ấn Độ. Ảnh: TWITTER

Theo trang tin The EurAsian Times,quân đội Ấn Độ đang mua nhiều loại vũ khí và thiết bị khác nhau để giải quyết những mối đe dọa này. Hiện nay, quân đội Ấn Độ đã tối ưu hóa một loại vũ khí lịch sử trong Thế chiến 2 thành một sát thủ diệt UAV hiện đại.

Pháo phòng không L-70 được nhiều người biết đến vì được sử dụng trong Thế chiến 2. L-70 đã được cải tiến từ pháo phòng không thành pháo chống UAV như một phần trong dự án của Quân đoàn Phòng không thuộc Lục quân Ấn Độ.

Sát thủ diệt UAV mạnh mẽ?

L-70 là pháo phòng không được sử dụng rộng rãi, do công ty quốc phòng Bofors AB của Thụy Điển chế tạo trong những năm 1930. Loại pháo phòng không này sau đó được Tổng cục sản xuất quân nhu (OFB) của Ấn Độ cấp phép sản xuất.

Một hệ thống chống UAV do công ty tư nhân Zen Technologies Limited có trụ sở tại TP Hyderabad (bang Telangana, Ấn Độ) phát triển đã được tích hợp với L-70 nhằm phục vụ như một biện pháp răn đe của Lục quân và Không quân Ấn Độ chống lại mối đe dọa UAV đang hiện ra. Hệ thống này tương tự với loại mà Không quân Ấn Độ đặt mua hồi tháng 8, gọi là Hệ thống phòng không chống UAV Zen (ZADS).

Pháo phòng không L-70. Ảnh: Wikipedia

Quân đoàn Phòng không Ấn Độ đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với pháo diệt UAV này hôm 17-9. Cuộc thử nghiệm tiếp theo được tiến hành bốn ngày sau đó. Đánh giá ban đầu về hệ thống cho thấy một UAV thương mại bị bắn rơi cách đó 500 m.

Các xạ thủ đã bắt đầu bằng việc theo dõi UAV từ trạm chỉ huy, sau đó xoay khẩu pháo về phía bên trái bắn một đoạn đạn bốn viên lên trời. Ngòi nổ cận đích bên trong các quả đạn 40mm quay trong không khí phát nổ, tạo ra hàng nghìn mảnh vonfram xé toạc mục tiêu.

Bốn ngày sau, tức ngày 21-9, Lục quân Ấn Độ thực hiện lại cuộc thử nghiệm tại ĐH Phòng không Lục quân Ấn Độ trên bờ biển ở Gopalpur, bang Odisha và đánh chặn thành công một UAV thương mại khác rộng 0,6 m.

ZADS hoạt động như một hệ thống “tiêu diệt mềm”, tức là nó có thể phát hiện và gây nhiễu phát xạ tần số vô tuyến từ những UAV trong phạm vi 10 m-10km. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm tại ĐH Phòng không lần đầu tiên chứng kiến sử dụng ZADS như một hệ thống “tiêu diệt cứng”. Điều này cho thấy hệ thống chống UAV trên còn có thể được sử dụng để phá hủy mục tiêu về mặt vật lý.

Mối đe dọa UAV đang gia tăng

“Các hoạt động sử dụng UAV đang phổ biến và mối đe dọa UAV đang tăng lên theo từng giờ. Vì mối đe dọa này gia tăng nên nhu cầu bảo vệ các lực lượng và lỗ hổng trước các mối đe dọa làm thay đổi cuộc chơi này cũng đang tăng lên” – Trung tướng về hưu PR Shankar của Ấn Độ viết trên một bài báo do tổ chức United Services Institute of India (USNI) của Ấn Độ xuất bản. Ông Shankar, hiện là giáo sư Kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Học viện Công nghệ Madras (Ấn Độ).

Trong bài viết, ông PR Shankar đã phác thảo một học thuyết chống UAV toàn diện và nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào mối đe dọa UAV đang tăng lên.

Trả lời The EurAsian Times, nhà phân tích quân sự Neil John nói rằng: “UAV là vũ khí đã đưa gần như tất cả các nền quân đội trở lại nơi bắt đầu. Khi các UAV được triển khai thành bầy đàn thì vô cùng nguy hiểm. Trong vùng xám không thể có bất kỳ loại vũ khí nào linh hoạt như thế này để ứng dụng động học”.

ZADS sẽ hiệu quả như thế nào?

Thiếu tướng về hưu VK Madhok của Ấn Độ, người đầu tiên viết về mối đe dọa UAV đang nổi lên hơn ba thập niên trước, cho rằng: “Sự nâng cấp pháo phòng không L-70 của thời chiến tranh với các hệ thống hiện đại để tạo ra một sát thủ UAV là một sự phát triển tài tình khi đối mặt với các mối đe dọa từ những UAV thương mại giá rẻ”.

“Sự phát triển này có thể đặc biệt chứng tỏ hệ thống có hiệu quả chống lại công nghệ UAV bầy đàn vốn là mối đe dọa đang hiện ra. Hệ thống chống UAV mới lạ này được ca ngợi có thể xác định đường bay tương lai của UAV thù địch. Nếu được biên chế thành công, hệ thống có thể giúp thay đổi cuộc chơi và là con đường phía trước cho học thuyết chống UAV của Ấn Độ” – Tướng VK Madhok bày tỏ ý kiến.

Pháo phòng không L-70 bản nâng cấp. Ảnh: TWITTER

Tuy nhiên, một mình nền tảng chống UAV có lẽ không đủ để chống lại các cuộc tấn công bằng UAV quy mô lớn.

Khi được hỏi về việc quân đội Ấn Độ có thể làm gì hơn nữa để chặn mối đe dọa UAV, một sĩ quan cấp cao của Lục quân Ấn Độ nói với The EurAsian Times: “Các hệ thống phản ứng của chúng tôi cần được hiệu chuẩn tốt, tình trạng leo thang liên tục vẫn không thể đoán trước được. Bất kể công nghệ hiện đại nào được biên chế trong quân đội thì nó cần có tính phá hủy lẫn khả năng làm tê liệt”.

Nhà phân tích quân sự, Đại tá về hưu Vinay B Dalvi của Ấn Độ nói với The EurAsian Times: “Sự thành công của việc phát triển này phải được kết hợp với một chính sách chống máy bay không người lái rõ ràng cùng một tài liệu chiến lược an ninh quốc gia được trình bày mạch lạc. Điều này sẽ giúp đảm bảo bước đi hướng tới đối phó các mối đe dọa thời đại mới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm