Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy 23 hệ thống Pantsir của Nga ở Libya, Syria?

Các máy bay không người lái (UAV) vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy ít nhất 23 hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga trong các cuộc xung đột quân sự tại Syria và Libya.

Số Pantsir S1 bị phá hủy có thể cao hơn 

Cụ thể, báo Defense Express của Ukraine cho biết trong số 23 hệ thống Pantsir S1 của Nga bị phá hủy, tám hệ thống ở Syria và 15 hệ thống ở Libya. Defense Express nhấn mạnh tổng số hệ thống phòng không của Nga bị phá hủy có thể cao hơn nếu tính luôn những hệ thống bị Israel phá hủy tại Syria.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hurriyet Daily News

Hệ thống Pantsir S1 cho thấy nó không thể chống lại những UAV Anka-S và đạn dẫn đường MAM-L do UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng.

Theo các báo cáo, việc thiếu các nhà vận hành lành nghề cùng lỗ hổng trong các hệ thống của Nga có thể là nguyên nhân dẫn tới hệ thống không khai hỏa.

“Những hệ thống Pantsir S1 dường như được bố trí như một khẩu đội phòng thủ tên lửa đơn lẻ, khiến chúng dễ bị tấn công. Nếu các đơn vị phòng không không được triển khai thành một mạng lưới, chúng rất dễ bị phá hủy”, ông Sitki Egeli, một chuyên gia quân sự nói với Syria Direct - tổ chức tin tức độc lập ở Jordan hồi tháng 3 sau khi hai hệ thống Pantsir-S1 bị vô hiệu hóa.

UAV Thổ Nhĩ Kỳ lấn lướt hệ thống phòng không Nga

Theo trang web Syriahr.com của Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR), những cuộc xung đột gần đây ở Tây Bắc Syria và Tây Libya cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của UAV Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống phòng thủ tên lửa Nga. 

Kể từ tháng 6-2019, lĩnh vực này đã bước vào kỷ nguyên mới sau khi Iran bắn rơi UAV vũ trang Global Hawk của Mỹ gần Vịnh Oman. Tháng 9-2019, UAV và tên lửa hành trình của Iran tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. UAV và tên lửa của Iran đã qua mắt được hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp cho Saudi Arabia.

Hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir S1 của Nga. Ảnh: Artur Lebedev/ТАSS

Hồi tháng 2 và tháng 3, tại tỉnh Idlib (Tây Bắc Syria), chính phủ Syria được Nga, Iran hậu thuẫn và các lực lượng chống chính phủ Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã nổ ra cuộc đụng độ ngắn. Các UAV Bayraktar TB-2 và Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần phá hủy các đơn vị phòng không của Syria, kể cả hệ thống phòng không Pantsir do Nga chế tạo.

Trong cuộc tấn công từ ngày 28-2 đến ngày 4-3, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đánh lừa và phá hủy một số hệ thống Pantsir và hệ thống phòng không BUK của Nga vốn do lực lượng chính phủ Syria sử dụng.

Chuyên gia về công nghiệp quốc phòng Bahri Mert Demirel của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hệ thống Pantsir không thể phát huy tác dụng ở Syria do Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành tác chiến điện tử nghiêm trọng và triển khai hệ thống tấn công điện tử radar, trong đó có KORAL nhằm đánh chặn và đánh lừa các hệ thống radar ở Syria.

Đối với Nga – nước duy trì một căn cứ quân sự ở Khmeimim gần Idlib, thất bại cho đồng minh Syria là rất nghiêm trọng. Nga đã cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria sau cuộc không kích của Israel vào mùa thu năm 2018.

Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đã phá hủy hệ thống Pantsir ở Idlib. Không rõ radar của Nga đã làm tốt vai trò như thế nào nhằm giúp chính phủ Syria chống lại hàng ngàn cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu Iran.

Vòng đối đầu thứ hai giữa UAV Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống phòng không Nga xảy ra tại Libya vào những tuần đầu tiên của tháng 5-2020, đỉnh điểm là sự kiện Chính phủ Hòa Hợp Dân tộc (GNA) của Libya (được quốc tế công nhận đóng ở Tripoli, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) chiếm căn cứ không quân Al-Watiya từ lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hôm 17-5.

GNA trưng bày hệ thống Pantsir ở thủ đô Tripoli (Libya) hôm 20-5 sau khi họ chiếm được căn cứ không quân Al-Watiya. Ảnh: AFP

Theo trang tin Asia Times, những chiếc UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy ít nhất ba nhà chứa máy bay chống bom vốn cất trữ máy bay và bảo vệ hai hệ thống Pantsir.

Một hệ thống Pantsir đã bị nghiền nát khi toàn bộ cấu trúc sụp đổ, hệ thống thứ hai bị cháy do vụ nổ nhưng không bị phá hủy. Sau đó, những hệ thống này bị GNA đã tịch thu, đưa lên xe tải và diễu hành xung quanh Tripoli.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã "khoét sâu" sự thất bại của hệ thống Pantsir vốn đang được LNA của Nguyên soái Khalifa Haftar sử dụng.

Lực lượng ông Haftar đóng ở miền Đông Libya, được Nga, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ủng hộ.

Biết gì về hệ thống Pantsir S1 và  UAV Bayraktar TB-2?

Theo hãng tin TASS, hệ thống Pantsir S1 của Nga được thiết kế để cung cấp khả năng phòng không tầm xa cho các vật thể dân sự lẫn quân sự dưới mọi điều kiện thời tiết và vô tuyến điện tử cả ngày lẫn đêm. Pantsir S1 còn có khả năng chống các mối đe dọa trên bộ và dưới nước.

Hệ thống được trang bị 12 tên lửa đất đối không có tầm bắn 20 km và mang đầu đạn nổ mảnh nặng 20 kg. Pantsir S1 cũng được trang bị pháo tự động hai nòng 30 mm với tầm bắn tối đa 4 km.

Về UAV Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ, UAV này được thiết kế để chống các mục tiêu như xe tăng, xe chở quân bọc thép, boongke, đôi khi chống lại dân thường.

Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng UAV Bayraktar TB-2 để tiêu diệt thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà nước này xem là khủng bố. Năm lãnh đạo PKK đã bị giết chết trong cuộc tấn công của Bayraktar TB-2 hồi tháng 11-2019 tại Iraq.

Bayraktar do hãng Baykar Defense của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ukraine cũng vận hành UAV này. Bayraktar TB-2 mang theo tên lửa MAM-Lcó đường kính 160 mm và nặng 22 kg. Tên lửa này do công ty Rokestan của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Số lượng UAV bị bắn rơi trong xung đột đã tăng lên trong những năm qua. Trang web Syriahr.com dẫn lời ông Seth J. Frantzman, Giám đốc điều hành Trung tâm báo cáo và phân tích Trung Đông cho biết ước tính số UAV bị bắn rơi tăng từ 31 chiếc trong năm 2016 lên 123 chiếc năm 2019. Đã có 67 chiếc bị bắn rơi từ đầu năm 2020 tới nay. Mặc dù khó có thể xác nhận tất cả báo cáo ở Idlib hay Libya nhưng rõ ràng UAV đang đóng vai trò chiến lược và chiến thuật hơn. UAV đang góp mặt ngày càng nhiều vào các cuộc xung đột từ châu Phi cho tới châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm