Hôm 1-7, biên đội 15 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc lập đội hình bay lớn chưa từng có bay qua bầu trời Bắc Kinh nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.
Màn phô diễn này ngoài nhằm khẳng định sức mạnh không quân ngày càng tăng của Trung Quốc thì còn có mục đích thu hút sự quan tâm của khách hàng nước ngoài tiềm năng đối với tiêm kích nước này, theo báo The EurAsian Times.
Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu tiêm kích “Rồng dũng mãnh” J-20. Ảnh The EurAsian Times
Theo dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc – nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới đang dần vươn lên dẫn trước trong cuộc đua trở thành nhà xuất khẩu vũ khí khí tài quân sự toàn cầu.
Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới trong thập niên qua (năm 2010-2020), sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức, vươn lên từ vị trí thứ chín trong đánh giá giai đoạn 2005-2009.
Trung Quốc là một nước xuất khẩu vũ khí
Theo đánh giá của SIPRI, thị trường xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chủ yếu là ở châu Á (77,3%), tiếp theo là châu Phi (19,1%) và 3,6% còn lại là đi tới những khu vực khác của thế giới, bao gồm Mỹ Latinh.
Những khách hàng hàng đầu của vũ khí Trung Quốc tại châu Á bao gồm Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Tại châu Phi, các quốc gia như Algeria, Tanzania, Nigeria vẫn là những nước nhập khẩu hàng đầu vũ khí Trung Quốc.
Thị trường xuất khẩu của Trung Quốc tăng từ 40 quốc gia lên 53 quốc gia trong nửa cuối thập niên và bốn công ty quốc phòng của nước này nằm trong tốp 25 của thế giới.
Tiêm kích JF-17 do Trung Quốc hợp tác với Pakistan phát triển. Ảnh: The EurAsian Times
Trung Quốc đã hưởng lợi phần lớn từ khoảng trống tại nhiều thị trường vũ khí của nhiều nước đối mặt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Những quốc gia như Venezuela – bị Mỹ áp lệnh cấm vận vũ khí vì không hợp tác với những nỗ lực chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu, Pakistan – nước đối mặt lệnh trừng phạt quốc tế tương tự, và Iran - bị áp lệnh cấm vận vũ khí suốt 13 năm vì chương trình hạt nhân, tất cả đã chuyển hướng sang khí tài quân sự của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược trị giá 400 tỉ USD với Iran, sẽ xác định và định hướng sự hợp tác giữa hai bên trong 25 năm tới.
Các chuyên gia quốc tế nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc các lực lượng nhà nước và phi nhà nước tại các quốc gia có xung đột, đặc biệt ở Trung Đông sử dụng vũ khí và thiết bị khác của Trung Quốc.
Xuất khẩu tiêm kích của Trung Quốc
Tiêm kích “Rồng dũng mãnh” J-20 của Trung Quốc được cho đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu do lo ngại công nghệ thứ năm rơi vào tay kẻ xấu. Điều này tương tự như lệnh cấm xuất khẩu mà Mỹ áp vào tiêm kích F-22 Raptor, một trong hai máy bay tàng hình thế hệ thứ năm mà Mỹ vận hành bên cạnh F-35.
Chuyên san quân sự National Interest dẫn lời chuyên gia Song Zhongping ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc chỉ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm chỉ khi Mỹ cũng làm như vậy với F-22 Raptor.
“Nếu các đồng minh của Mỹ sở hữu F-22 thì các đồng minh của Trung Quốc sẽ cần J-20 để tạo thế cân bằng” – ông Song nói.
Tổng công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương (SAC), một công ty tư nhân được coi là “cái nôi” của tiêm kích Trung Quốc, đã phát triển thành công máy bay chiến đấu từ thời Mao Trạch Đông.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, J-5, J-6 và J-7, các biến thể của những tiêm kích thời Liên Xô MiG-17, MiG-19 và MiG-21 mà Trung Quốc sản xuất đã đưa máy bay chiến đấu của Trung Quốc lên bản đồ thế giới. Các khách hàng bao gồm Pakistan, Albania, Ai Cập, Iran, Myanmar, Nigeria và thậm chí Mỹ được cho đã mua J-5 (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) định danh Fresco)) để sử dụng đóng giả mối đe dọa di động trong các cuộc thử nghiệm.
Người ta tin rằng Triều Tiên vẫn vận hành F-5 (phiên bản xuất khẩu của J-5) và F-6 (biến thể nội địa của J-6). Các biến thể sau này J-8, J-11 (được phát triển từ Sukhoi Su-27 của Nga) và J-16 được không quân Trung Quốc sử dụng độc quyền. Hiện vẫn chưa rõ liệu những mẫu máy bay này có được sản xuất cho mục đích xuất khẩu hay không.
Tiêm kích tàng hình FC-31 của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Việc phát triển một máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không J-13 thậm chí đã bị hủy. Mặc khác, những chiến cơ do Tập đoàn Công nghiệp Phi cơ Thành Đô (CAIG) phát triển như Chengdu J-7 và JF-17 Thunder đã được xuất khẩu sang Bangladesh, Pakistan, Myanmar và Nigeria.
Trung Quốc được cho đang quảng bá tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ tư Chengdu J-10, mẫu tiêm kích cạnh tranh với F-16 của Mỹ, song vẫn chưa có người tiếp nhận. Iran có lẽ đang trong bàn đàm phán song Trung Quốc dường như không muốn chốt thỏa thuận, theo The EurAsian Times.
Tạp chí Forbes đăng một bài viết so sánh sự tăng trưởng của ngành công nghiệp máy bay chiến đấu của Trung Quốc với của Nga, dự đoán khả năng Trung Quốc có tiềm năng xuất khẩu nhiều máy bay chiến đấu hơn khi càng có nhiều thị trường sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc để mua thiết bị máy bay.
Bên cạnh năng lực sản xuất của Trung Quốc, sử dụng vật liệu composite nhằm giúp máy bay có trọng lượng nhẹ, tích hợp radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) vào các thiết kế hiện đại và hệ thống tàng hình hoàn thiện hơn giúp Trung Quốc vượt qua các thiết kế máy bay của Nga, bài báo lưu ý.
Theo cơ sở dữ liệu năm 2021 về Không quân các nước trên thế giới (World Air Force), Trung Quốc đã vượt Nga về số lượng máy bay chiến đấu trong biên chế.
FC-31, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm hiện đại do SAC phát triển, được cho là câu trả lời của Trung Quốc đối với tiêm kích F-35 của Mỹ, đang nhắm đến thị trường toàn cầu.
Một nguyên mẫu FC-31 đã được trình làng trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập SAC, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển máy bay này.
Hạn chế người mua?
Bất chấp chương trình máy bay chiến đấu bản địa đầy tham vọng, các tiêm kích Trung Quốc đã hạn chế người mua. Chuyên gia về máy bay và hàng không vũ trụ Richard Aboulafia cho rằng Trung Quốc đang cố gắng thu hút khách hàng mua máy bay chiến đấu hiện đại của nước này.
Trích dẫn dữ liệu từ SIPRI, bài báo cho hay trong thập niên qua, Trung Quốc đã xuất khẩu 7,2 tỉ USD máy bay quân sự, hầu hết bao gồm các bộ phận riêng lẻ chứ không phải nguyên chiếc máy bay. SIPRI xếp nước này đứng sau Mỹ (99,6 tỉ USD), Nga (61,5 tỉ USD) và Pháp (14,7 tỉ USD).
Bình luận về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chuyên gia Aboulafia nhấn mạnh việc Trung Quốc thiếu quyền lực mềm thương mại và liên minh chiến lược đã đẩy các khách hàng tiềm năng của họ như Malaysia và Philippines rời xa, trong khi các thị trường quân sự có ảnh hưởng lớn như Singapore, Hàn Quốc và Úc vẫn liên kết với Mỹ.
Tuy vậy, khi Trung Quốc cam kết mở rộng quân sự và ảnh hưởng của nước này, câu hỏi vẫn là liệu nước này có thể vươn lên trở thành nước xuất khẩu hàng loạt máy bay chiến đấu hay không.