Hải quân Trung Quốc sẽ sớm có tới 36 trực thăng tấn công “cá sấu” Ka-52K của Nga để hoạt động từ tàu đổ bộ trực thăng Type 075.
Hãng tin Avia.Pro của Nga tuần trước đưa tin quân đội Trung Quốc rất quan tâm tới trực thăng Ka-52K và một phái đoàn Trung Quốc đã đến thăm dây chuyền sản xuất ở vùng Primorye thuộc Viễn Đông nước Nga.
“Có khả năng một hợp đồng giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ được ký kết về việc cung cấp ít nhất 36 trực thăng Ka-52K cho hải quân Trung Quốc” – Avia.Pro viết.
Mỗi chiếc Ka-52K có giá 20 triệu USD.
Trực thăng tấn công hải quân "cá sấu" Ka-52K của Nga. Ảnh: TWITTER
Theo trang tin The EurAsian Times, diễn biến này có ý nghĩa quan trọng vì nó diễn ra trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Trung Quốc với Đài Loan – vùng lãnh thổ Bắc Kinh xem là một tỉnh ly khai chờ thống nhất.
Trong vòng 6-7 tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường những gì được coi là chiến thuật đe dọa bằng cách triển khai máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc hiện thiếu trực thăng tấn công hạng nặng vận hành từ tàu chiến cho các hoạt động đổ bộ và tấn công mặt đất, chủ yếu xuất phát từ việc ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trong nước của Trung Quốc thiếu khả năng chế tạo.
Vì sao Trung Quốc không chọn trực thăng nội địa Z-10 mà chọn “cá sấu” Ka-52K của Nga?
Ka-52K là phiên bản hải quân của “cá sấu” Ka-52, có thể mang tên lửa diệt hạm hạng nặng với tầm bắn trên 100 km, tên lửa không đối đất, một súng cỡ nòng 30 mm, và radar có thể phát hiện mục tiêu trong phạm vi hơn 200 km.
Điều này khiến Ka-52K trở thành trực thăng đa nhiệm, có khả năng cung cấp hỗ trợ cận chiến trên không như một máy bay trực thăng hạng nặng và một trực thăng trinh sát, cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu và giám sát chiến trường.
Trực thăng Ka-52K tại triển lãm hàng không MAKS-2021 gần thủ đô Moscow (Nga) hôm 25-7. Ảnh: Bai Xueqi/Xinhua/ Getty Images
Ka-52K có các cánh quạt đồng trục có thể gấp lại được, có cánh gấp và thiết bị hỗ trợ sự sống cho thành viên phi hành đoàn, những người sẽ bay trong các bộ đồ chống mất nhiệt. Thân máy bay và các hệ thống có cách xử lý chống ăn mòn đặc biệt để hoạt động trong môi trường biển.
Mặc dù trực thăng tấn công Harbin Z-10 của Trung Quốc được coi là một nền tảng không kém phần đáng gờm nhưng nó vẫn nằm trong hạng mục trực thăng tấn công hạng nhẹ/trung bình, chủ yếu là do hiệu suất động cơ của nó.
Ngay cả các biến thể mới nhất tiếp tục được trang bị động cơ tuabin trục WZ-9 vì động cơ WZ-16 vẫn đang phát triển và chưa đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Các vấn đề về hiệu suất của động cơ là một trong những lý do Pakistan từ chối trực thăng Z-10 và đã chọn trực thăng tấn công T-129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ.
So với công suất 1.300 HP mà động cơ WZ-9 tạo ra, động cơ Klimov VK-2500 trang bị cho Ka-52K sản xuất gần gấp đôi với công suất 2.500 HP.
Ngoài ra, trực thăng Z-10 cũng không thể mang tải trọng vũ khí tối đa được chỉ định là 16 tên lửa chống tăng HJ-10. Tương tự như vậy, ngay cả các tấm giáp cũng được làm bằng vật liệu graphene mỏng nhẹ, vì động cơ không thể nâng được trọng lượng tăng thêm.
Trực thăng vũ trang Z-10 của Trung Quốc. Ảnh: People's Daily Online
Vấn đề tương tự dường như cũng xảy ra với các động cơ phản lực của Trung Quốc. Động cơ WS-15 đã được phát triển trong nhiều năm được cho là thiếu hiệu suất bay hành trình siêu âm tiên tiến như các động cơ của Mỹ, Anh, Pháp hay của Nga.
Ka-52K nặng 12 tấn, nặng hơn so với trực thăng Z-10 vốn nặng 7 tấn. Mặc dù cả hai đều là trực thăng hai động cơ, song nhu cầu về một trực thăng bọc thép và vũ trang hạng nặng thì trực thăng Z-10 lại không thể đáp ứng.
Các cuộc diễn tập và tập trận của Trung Quốc từ lâu đã dự tính tiêu diệt các mục tiêu mặt đất tầm trung và được bọc thép chắc chắn trong trường hợp nổ ra một cuộc xâm lược trên bộ.
Trong khi Hải quân và Không quân Trung Quốc có thể hạ đo ván các khí tài trên không và trên biển của Đài Loan thì các mục tiêu trên biển và trên bộ nhỏ hơn sẽ cần phải được các trực thăng tấn công hạng nặng hơn tham gia khi một cuộc xâm lược trên bộ bắt đầu.
Trực thăng Ka-52K có thể chịu được đạn xuyên giáp cỡ nòng 12.7 mm và mảnh đạn 23 mm, thậm chí bản thân các cánh quạt cũng có khả năng bắn vũ khí cỡ nhỏ.
Ka-52K đáp ứng nhu cầu của Type 075
Những chiếc trực thăng “cá sấu” Ka-52K dự kiến sẽ hoạt động trên tàu đổ bộ trực thăng Type 075 có lượng giãn nước 40.000 tấn. Điều này khiến Type 075trở thành một trong những tàu tấn công đổ bộ lớn nhất sau các tàu của Hải quân Mỹ.
Bên cạnh trực thăng, binh sĩ và hàng hóa, Type 075 còn có thể mang xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép, pháo kéo và phương tiện chiến thuật mặt đất nhỏ hơn.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Yuan Wang (Trung Quốc) nói rằng: “Quân đội Trung Quốc đã nghiên cứu khả năng mua trực thăng Ka-52K của Nga trong thời gian khá dài”.
Tàu đổ bộ trực thăng Type 075 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia
Tàu đổ bộ trực thăng Type 075 cần một trực thăng tấn công hạng nặng. Ka-52K là trực thăng tấn công trên hạm đầu tiên của Nga có cánh quạt và cánh có thể gấp được với trọng lượng cất cánh cao hơn, điều này có thể tiết kiệm không gian và đáp ứng nhu cầu của Type 075.
Là phiên bản thừa hưởng các giá trị của trực thăng tấn công Ka-50 và Ka-52 vốn đang biên chế trong quân đội Nga, một đặc điểm nổi bật của Ka-52K là hệ thống đồng trục có hai cánh quạt chính, cái này ở trên cái kia, quay theo các hướng ngược nhau.
Việc loại bỏ sự cần thiết của cánh quạt đuôi mang lại cho trực thăng Ka-52K khả năng cơ động và nhào lộn tuyệt vời, bên cạnh tiết kiệm 30% công suất động cơ. Ka-52K có thể thực hiện các vòng nhào lộn, và kỹ thuật circle-strafing, tức là trực thăng duy trì một đường ngắm thẳng tới duy nhất một mục tiêu trong khi bay vòng quanh mục tiêu ở nhiều độ cao và vận tốc khác nhau.