Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe và người đồng cấp Nga, ông Vladimir Putin đã ca ngợi sự ra mắt của một số dự án kinh tế mới ngày 29-6 tại Osaka. Tuy nhiên, hai bên không đạt được bất kỳ đột phá lớn nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài, tờ The Japan Times đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka hôm 29-6. Ảnh: Bloomberg.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp được tiến hành bên lề hội nghị G20, ông Abe cho biết hai nhà lãnh đạo đã “đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán” về các hòn đảo do Nga nắm giữ ngoài khơi Hokkaido. Khu vực này được Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phía Bắc và Nga gọi là Nam Kurils.
Tuy nhiên, ông Abe không đề cập đến bất kỳ tiến triển cụ thể nào trong các cuộc đàm phán về lãnh thổ. Ông chỉ nói rằng “các điểm chính chúng ta cần phải khắc phục hiện đang trở nên rõ ràng”. Đây gần như cùng một cụm từ được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Taro Kono sử dụng sau khi ông gặp người đồng cấp Nga, ông Sergey Lavrov, vào ngày 31-5 tại Tokyo.
Ông Putin ca ngợi một số dự án hợp tác kinh tế chung đang diễn ra của hai nước. Nhưng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhà lãnh đạo Nga chỉ nói rằng các dự án đó sẽ xây dựng niềm tin lẫn nhau và giúp chuẩn bị một môi trường tốt cho các cuộc đàm phán.
Thủ tướng Nhật Bản đã cố gắng đạt được thỏa thuận với ông Putin kịp thời trước hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka. Ông đã gặp nhà lãnh đạo Nga tới 26 lần cho đến nay. Đây là một con số cao bất thường.
Trước cuộc họp, các quan chức Nhật Bản đã có giọng điệu bi quan và nói rằng hai bên vẫn chưa thống nhất về các vấn đề cơ bản nhất.
Nga khẳng định Moscow hợp pháp giành được bốn hòn đảo ngoài khơi Hokkaido do hậu quả của Thế chiến II. Trong khi đó, Nhật Bản đã lập luận rằng các hòn đảo đã bị chiếm giữ “bất hợp pháp” bởi Liên Xô và Nga.
Tại sao kế hoạch của ông Abe không thành công cho đến thời điểm này? Các nhà quan sát chỉ ra rằng đối với người dân Nga, tỉ lệ đồng thuận của ông Putin đã giảm nhanh chóng trong năm qua do kết quả của cuộc cải cách lương hưu. Việc này khiến nhà lãnh đạo Nga gần như không thể nhượng bộ Nhật Bản. Bất kỳ vấn đề lãnh thổ nào cũng có thể dễ dàng gây nên làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở Nga.
Thay vào đó, ông Putin chỉ cố gắng tận dụng mong muốn ký hiệp ước hòa bình từ lâu của ông Abe nhằm giành được các dự án hợp tác kinh tế từ Nhật Bản, một số nhà quan sát cho biết.
“Tuy nhiên, ông Putin cũng không từ chối việc với Nhật Bản. Tại sao? Ông Putin đang cố gắng sử dụng mối quan hệ được cải thiện với Nhật Bản như đòn bẩy ngoại giao chống lại Mỹ và Trung Quốc”, ông Hiroshi Kimura, giáo sư danh dự của Đại học Hokkaido viết trên tờ Sankei Shimbun vào ngày 21-6.