Thổ Nhĩ Kỳ, Iran sẽ động binh đánh người Kurd?

Hiện không chỉ Iraq mà Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đang nóng lên với cuộc trưng cầu độc lập ngày 25-9 của cộng đồng người Kurd mà đại diện là chính quyền khu vực người Kurd (KRG) ở Bắc Iraq.

Cùng ra đe dọa quân sự

Với cuộc trưng cầu này, Iraq có nguy cơ mất đi một vùng đất giàu dầu mỏ. Ngày 24-9, chính phủ Iraq yêu cầu các nước ngừng giao dịch mua bán dầu với KRG. Baghdad đòi KRG trả quyền kiểm soát các sân bay quốc tế và các đồn biên phòng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời dọa sẽ can thiệp quân sự nếu bạo lực xảy ra.

Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran lo ngại việc người Kurd ở Iraq ly khai sẽ khuyến khích người Kurd tại các nước này noi gương. Thổ Nhĩ Kỳ vốn lâu nay rất vất vả đối phó các hoạt động đòi ly khai của cộng đồng này. Người Kurd ở Iran dù không mạnh và đáng lo bằng tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Tehran vẫn lo ngại nhóm vũ trang Al-Hashd Al-Shaabi được Iran hỗ trợ chống IS sẽ chịu tác động xấu.

Một ngày trước khi người Kurd ở Iraq phấn khởi đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý đòi độc lập, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã điện đàm chia sẻ lo ngại và bàn giải pháp. Chỉ vài giờ sau cuộc bỏ phiếu, ông Erdogan tuyên bố đã đưa quân đến biên giới Iraq, đe dọa can thiệp quân sự vào lãnh thổ KRG và cắt giao dịch dầu mỏ - nguồn thu sống còn của KRG. Ông Erdogan khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp chính trị, kinh tế, thương mại và an ninh với KRG để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng đã cho phong tỏa vùng Habur giáp phía Bắc Iraq.

Trong ngày 25-9, bên cạnh tăng cường không kích phiến quân người Kurd thuộc nhóm đảng Công nhân người Kurd (PKK), Thổ Nhĩ Kỳ còn mở hàng loạt cuộc tập trận để dằn mặt, theo Foreign Policy. Ngoài tập trận đơn phương gần biên giới Iraq, quân đội hai nước còn tổ chức một cuộc tập trận chung quy mô lớn mà nhiều khả năng Iran cũng sẽ tham gia, theo Reuters. Chính quyền Tehran ngày 25-9 cũng cho không quân tập trận dọc biên giới Iraq, cho đóng cửa biên giới giáp lãnh thổ người Kurd và ngưng mọi chuyến bay.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trận gần biên giới với Iraq ngày 25-9. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16-4-2016. Ảnh: AFP

Bắt tay ngưng đối đầu?

Hai đối thủ truyền thống ở Trung Đông là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều bước đi xích lại gần nhau vì nhận ra cả hai có một số điểm chung: Phản đối một quốc gia độc lập của người Kurd, chấm dứt cuộc chiến sáu năm ở Syria, cùng một số vấn đề khác của khu vực.

Ngoài vấn đề người Kurd, hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng dần hợp tác dọc biên giới Syria dù cả hai ủng hộ hai phe đối lập nhau trong nội chiến của nước này. Iran cùng với Nga ủng hộ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy muốn cố lật đổ ông Assad.

Đà thắng trận của quân chính phủ Syria đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Astana (Kazakhstan), đồng ý thỏa thuận với Nga và Iran. Ông Erdogan cũng đã chịu sang Nga để bàn về Syria. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 25-9 thông báo nước này cùng với Nga và Iran sẽ hợp tác lập vùng giảm căng thẳng gần TP Afrin mà phe nổi dậy đang kiểm soát.

Một phần nguyên nhân khiến Ankara ngả sang liên minh Moscow-Tehran là vì bất mãn trước quan hệ của đồng minh Mỹ với người Kurd ở Syria. Ngoài ra, chính quyền cả hai cựu thù đều đối đầu Saudi Arabia. Năm ngoái, Saudi Arabia cắt hoàn toàn quan hệ với Iran và đang yêu cầu Qatar cắt quan hệ với Iran nếu muốn giữ quan hệ với mình. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngồi yên khi đối tác Qatar bị Saudi Arabia bắt nạt. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng quân đến căn cứ tại Qatar và hỗ trợ nước này trong bối cảnh bị cô lập.

Cuộc trưng cầu diễn ra và hoàn tất ngày 25-9 và kết quả sẽ có trong ngày 27-9. Theo số liệu từ ủy ban trưng cầu, 78% trong số 5,2 triệu người Kurd ở Iraq đã đi bỏ phiếu. Reuters dẫn dự đoán nhiều nhà quan sát rằng khả năng lớn kết quả sẽ là đồng ý đòi độc lập. Theo đó, lãnh đạo KRG Massoud Barzani sẽ được ủy nhiệm thương lượng với chính phủ Iraq cũng như với các chính phủ láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria để ly khai khỏi Iraq, thành lập quốc gia độc lập.

Ngày 25-9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại nguy cơ bất ổn khu vực từ cuộc trưng cầu, kêu gọi chính phủ Iraq và KRG đối thoại và thỏa hiệp. Mỹ nói sẽ không thay đổi quan hệ với KRG vì cuộc trưng cầu độc lập. Tuy nhiên, Washington bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” với quyết định của KRG, đồng thời cảnh báo khả năng bất ổn trong khu vực và tác động tiêu cực đến cuộc chiến đánh IS.

__________________________

Quân đội chúng tôi ở biên giới không phải không có lý do. Chúng tôi có thể ập đến bất ngờ chỉ trong một đêm.

RECEP TAYYIP ERDOGAN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo khả năng chiến tranh với người Kurd ở Iraq

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm